02/01/2025

Khảo sát đầu giờ sáng nay (14/2), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 62 – 62,7 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 700 nghìn đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua nhưng giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang được niêm yết ở mức 61,9 – 62,7 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 800 nghìn đồng/lượng.

Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã giảm khoảng 500 nghìn đồng, tương đương 0,8% giá trị.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.854,3 USD, giảm 4,7 USD, tương đương 0,25% so với chốt phiên trước.

Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 51,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 10,9 triệu đồng/lượng.

Cuối tuần trước, giá vàng đã vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.850 USD/ounce, chốt tuần ở mức cao nhất trong 3 tháng.

Theo giới phân tích, vàng hiện đang rất hấp dẫn bởi có quá nhiều nỗi sợ trên thị trường. Ngoài những yếu tố bất ổn địa chính trị, nỗi sợ lớn nhất đối với nhà đầu tư chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới chuẩn bị nâng lãi suất nhằm đương đầu với áp lực lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ mới được công bố cho thấy đã tăng 7,5% trong tháng 1/2022, mức tăng cao nhất trong 40 năm. Giá cao đang ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi đó, đại học Michigan vào ngày thứ Sáu công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ hiện thấp nhất trong 10 năm.

Nhà đầu tư không chỉ lo sợ về rủi ro lạm phát mà họ còn đang bắt đầu trở nên căng thẳng khi tính đến việc Fed sẽ xử lý áp lực giá cả tăng cao như thế nào. Thị trường dự báo khả năng Fed nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 3/2022 là chắc chắn và đồng thời họ đang tính đến khả năng sẽ có 6 lần nâng lãi suất cơ bản đồng USD trong năm nay.