Đây là một trong những yếu tố then chốt khiến giá nhà ở Cầu Giấy tăng liên tục trong những năm gần đây. Là quận trung tâm vì thế quỹ đất để phát triển các dự án BĐS ở khu vực này khá khan hiếm. Hầu hết các dự án đều được quy hoạch phát triển thành các khu nhà cao tầng, các tổ hợp chung cư cao cấp.
Là nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng tiện ích đa dạng, tập trung nhiều cơ sở hạ tầng tiện ích, giao thông kết nối linh hoạt. Bên cạnh đó, quận Cầu Giấy cũng có nhiều công ty, trụ sở, văn phòng làm việc, gần chợ, bệnh viện, trường học và các trung tâm thương mại…Vì thế nhu cầu về nhà ở cao cấp ở khu vực này luôn cao.
Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy đó là từ 2019 đến nay, trong bối cảnh chung về nguồn cung dự án mới khan hiếm thì Cầu Giấy cũng không có nhiều dự án căn hộ mới được mở bán. Nếu như năm 2017 Hà Nội có tới 115 dự án mới được mở bán, thì đến 2018 chỉ có 69 dự án và con số này vào năm 2019 là 58 dự án, còn ở thời điểm hiện tại số dự án mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trước tình trạng nguồn cung căn hộ cao cấp mới khan hiếm, nhu cầu mua nhà vẫn liên tục tăng khiến nhà ở khu vực này luôn được quan tâm của người mua nhà ở thực. Trong khi đó số lượng dự án đáp ứng được nhu cầu này lại không nhiều. Khảo sát thực tế cho thấy, hiện Cầu Giấy chỉ có số lượng dự án mới với nguồn cung sơ cấp khiêm tốn như Golden Park Tower, Mipec Rubik 360 (Cầu Giấy), Luxury Park View (Yên Hoà), The Park Home (Dịch Vọng), The Nine (Phạm Văn Đồng),…
Theo dữ liệu mới nhất từ Savills, nửa đầu năm 2021, cho biết bất chấp Covid-19, tăng trưởng giá căn hộ bán vẫn mạnh. Báo cáo chỉ rõ, từ năm 2017, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy. Theo báo cáo của Savills, đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp tăng.
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện đồng bộ, nguồn cung khan hiếm cùng với đó là nhu cầu cao đã đẩy giá căn hộ cao cấp ở khu vực này tăng lên từng quý. Nhìn chung, thị trường bất động sản Hà Nội đang có nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 5 năm, trong đó các chủ đầu tư giảm quy mô mở bán trong bối cảnh lo lắng gia tăng do làn sóng Covid-19 thứ 4.
Ông Nguyễn Đức Thêm, Quản lý cao cấp, Bộ phận Kinh doanh Bất động sản nhà ở , Savills Hà Nội phân tích: “Giá bất động sản căn hộ tại khu vực phía Tây thành phố Hà Nội ghi nhận tăng đặc biệt là những nơi có sự hỗ trợ tăng cường phát triển hạ tầng, gần trường học và khu vực xung quanh và dọc tuyến đường sắt đô thị. Quận Cầu Giấy đang hưởng các lợi thế từ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng, cũng như gần tuyến đường sắt đô thị số 3 sắp đưa vào hoạt động trong Q4/2021”.
Dự kiến tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà sẽ đi vào hoạt động phần đi trên cao vào cuối năm nay hoặc quý 1/2022. Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tính đến hết tháng 6/2021, tiến độ chung của dự án đạt khoảng 72,79%, riêng đoạn trên cao đạt 87,85%. Hạng mục lắp đặt thông tin, tín hiệu, cung cấp điện cho các ga trên cao đã hoàn thành 100%.
Một nghiên cứu của Environment for Development – mạng lưới Trung Tâm Phát Triển Môi Trường (EFD) đã chỉ ra rằng giá trị nhà đất tăng 15% trong bán kính 1-3km xung quanh ga tàu điện và 5% trong bán kính xa hơn từ 3-5km. Thị trường cũng ghi nhận giá nhà đất gần tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Hà Nội tăng rõ ràng từ 20-100% từ năm 2012.
Còn theo phân tích của ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, sự phát triển đô thị phần lớn diễn ra ở phía Tây, đây cũng là khu vực khá thu hút người nước ngoài, và là nơi tập trung nhiều dự án nhà ở cao cấp.