05/01/2025

Trong mấy năm gần đây xuất hiện một cụm từ rất hot: Tinh thần thủ công.

Nhiều công ty cũng thường sử dụng cụm từ này để mô tả cách họ làm ra sản phẩm của mình. Là một nhà tư vấn kinh doanh, đôi khi có những doanh nhân đang muốn phát triển doanh nghiệp của họ hỏi tôi: “Anh đánh giá thế nào về tinh thần thủ công của Nhật Bản? Làm thế nào để học hỏi được kinh nghiệm từ họ?”

Theo tôi, muốn công ty ngày càng lớn mạnh hơn thì không nên học hỏi tinh thần thủ công của người Nhật Bản, mà nên học hỏi người Đức.

Vì sao?

Tất cả đều xuất phát từ bản chất doanh nghiệp. Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn quan điểm của tôi về “tinh thần thủ công”, hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho các bạn.

1. Trọng tâm của thủ công Nhật Bản là kinh nghiệm, dựa vào sự kế thừa

Thế nào là tinh thần thủ công Nhật Bản?

Tôi lấy một ví dụ.

Murashima Tsutomu là người đã cống hiến hết mình trong việc nghiên cứu các kỹ thuật nấu ăn trong liên tục hơn 50 năm, ông được mệnh danh là “tiên nhân nấu ăn”. Ông từng nói: “Nếu nấu không ngon gạo sẽ nấu thành gạo trắng, nấu ngon gạo sẽ thành cơm, còn nấu cực ngon thì sẽ thành cơm vàng cơm bạc”. Vì vậy, năm 32 tuổi ông mở cửa hàng lấy tên là Silver Rice House.

Vậy ông đã làm ra “cơm bạc” bằng cách nào? Nói một cách tóm lược, có 6 yếu tố chủ đạo chi phối là người, gạo, nước và kỹ thuật vo, nấu, hấp.

Ông chỉ cần dùng tay sờ vào gạo là biết được chất lượng gạo thế nào. Khi vo gạo, ông lợi dụng khéo léo lực của các đầu ngón tay để từng hạt gạo trắng va vào nhau. Khi nấu cơm, trước tiên cần đun lửa nhỏ trong 10 phút, sau đó đun lửa lớn trong 10 phút, sau khi cơm chín, ông hấp cơm trong lửa nhỏ 20 phút, khi thấy hơi trắng bay ra thì tắt bếp ngay và ủ thêm 10 phút nữa.

Như vậy mới cho ra lò một bát cơm bạc.

Một ví dụ khác, trong khu mua sắm dưới lòng đất của ga Ginza, Nhật Bản, có một cửa hàng nhỏ chỉ có mười chỗ ngồi, đó là cửa hàng của Jiro Ono, “vị thần sushi”.

Khi Jiro Ono làm sushi, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến đến khi đưa vào miệng đều được ông tính toán kỹ lưỡng, chỉn chu đến từng chi tiết. Thậm chí với các thực khách khác nhau, ông còn điều chỉnh kích thước của sushi để khách hàng có thể nuốt trọn mỹ vị chỉ trong một miếng.

Cả đời ông gắn bó với việc chế biến món sushi. Ông nói:

Một khi đã quyết định chọn một nghề nghiệp, bạn phải dành cả trái tim và tâm hồn cho nó;

Bạn phải yêu thích công việc của mình và không bao giờ được phàn nàn;

Bạn phải dành cả đời để mài dũa kỹ năng của mình;

Đây là bí quyết thành công, cũng chính là chìa khóa để dành được sự tôn trọng từ mọi người.

Jiro Ono cũng yêu cầu những người học việc của mình hành động theo tiêu chuẩn này. Những học viên ấy làm có tốt hay không hoàn toàn tùy thuộc vào nhận định chủ quan của Jiro Ono. Tất cả bọn họ đều muốn thỏa mãn Jiro Ono, với họ, sự công nhận của Jiro Ono quan trọng hơn tất cả mọi thứ.

Công việc đầu tiên của học viên là học vắt khăn, trong bốn tháng đầu công việc duy nhất của họ là vắt những chiếc khăn cực nóng và ướt đến khi chúng khô hoàn toàn. Có học viên miệt mài luyện tập làm món trứng tráng, mãi đến 4 tháng sau đó, anh ta mới làm ra món trứng tráng mà Ono Jiro cảm thấy ổn. Người học viên ấy đã khóc ngay tại chỗ vì hạnh phúc. Nhưng chút thành tựu này còn cách việc làm được món sushi hoàn chỉnh rất xa, vì phải mất ít nhất 3 năm để học cách chuẩn bị gạo, và 8 năm để học cách ép sushi thành cuộn sushi.