26/12/2024

Các triết lý đầu tư giá trị của Benjamin Graham và David Dodd từ những năm đầu thế kỷ 20 đã mang đến niềm tin cho nhiều nhà đầu tư trên thế giới. “Học trò nổi tiếng” nhất chính là huyền thoại đầu tư Warren Buffett. Nhờ áp dụng phương pháp này, trong suốt giai đoạn hơn 50 năm đầu tư, ông đã đạt được tỷ suất sinh lời trên 20% mỗi năm với tập đoàn Berkshire Hathaway của mình.

Trên thị trường chứng khoán, “đầu tư giá trị” là một trường phái đầu tư kinh điển được nhiều người tôn sùng. Nếu có ai bị phê phán rằng họ không phải nhà đầu tư giá trị thực thụ, hẳn đó sẽ là một lời nói chấn động. Nhưng với Bill Miller thì không.

Bill Miller là nhà đầu tư duy nhất đánh bại S&P 500 trong 15 năm liên tiếp và đi vào lịch sử như một trong những nhà đầu tư giá trị vĩ đại nhất.

Trong năm 2019, quỹ Miller Value Partners – do Bill Miller vận hành – là một trong những quỹ đầu cơ đạt hiệu suất cao nhất trong lịch sử với 119,5%.

Phong cách đầu tư của ông được xem là sự kết hợp của từ Ben Graham, Warren Buffett, John Williams và Charlie Munger.

Câu châm ngôn ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại các nhân viên của mình khi làm việc: “Tôi thường nhắc nhở các nhà phân tích của chúng tôi rằng 100% thông tin anh có về một công ty phản ánh quá khứ, trong khi đó 100% việc định giá cổ phiếu lại phụ thuộc vào tương lai.”

Trong đó, một trong những phương pháp được nhắc tới gắn liền với tên tuổi của Miller là việc định giá không dựa trên P/E, P/B mà dựa trên dòng tiền.

Những nhà đầu tư thường dùng chỉ tiêu P/E để định giá doanh nghiệp, Miller thì không. Ông không quan tâm công ty có P/E 10x hay 100x. Xét cho cùng, tất cả những gì ông quan tâm là dòng tiền tương lai của doanh nghiệp và liệu ông ấy có thể mua dòng tiền tương lai đó với giá thấp hơn trị giá thực sự của nó hay không.

“Định nghĩa giá trị của chúng tôi xuất phát từ các cuốn sách giáo khoa tài chính. Trong đó, giá trị của khoản đầu tư được định nghĩa là giá trị hiện tại của dòng tiền tự do trong tương lai của khoản đầu tư. Bạn sẽ không tìm thấy ‘giá trị’ được định nghĩa bằng mức P/E thấp hay P/FCF thấp trong sách tài chính. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư sử dụng những hệ số này như đại diện cho những cổ phiếu giá hời tiềm năng. Chúng đôi khi đúng, đôi khi không”.

Nhà đầu tư huyền thoại này cho rằng các hệ số như P/E và P/FCF chỉ nên được xem là chỉ dẫn để nghiên cứu sâu hơn chứ không dùng để ra quyết định đầu tư ngay lập tức.

Ví dụ như một công ty viễn thông chưa từng có lãi ròng trong 30 năm, nhưng nếu bạn đầu tư vào công ty này, số tiền của bạn sẽ tăng gấp 900 lần, vì công ty đó tạo ra rất nhiều giá trị.

Theo Miller, cái bẫy giá trị xuất hiện khi định giá theo những thước đo định lượng giảm về mức mà mọi người cảm thấy hấp dẫn.

“Cái bẫy sẽ hé mở khi các yếu tố kinh tế cơ bản của doanh nghiệp đang thay đổi hoặc ngành công nghiệp đang chuyển mình, và thị trường thường phản ánh điều này vào giá một cách chậm rãi”, ông đã nhấn mạnh trong cuốn sách “The Man Who Beats the S&P”.

Một nhà đầu tư hoạt động dựa vào định nghĩa “giá trị” trên trang MorningStar sẽ không thể đầu tư vào các công ty công nghệ hay phần mềm. Họ sẽ đầu tư vào các cổ phiếu có P/B thấp, do đó dễ mắc bẫy giá trị.

Miller không quan tâm tới cái mác “nhà đầu tư giá trị” mà chỉ quan tâm tới dòng tiền mặt tự do của một doanh nghiệp.

Một phương pháp khác cũng đóng góp vào thành công của Miller là mua cổ phiếu tại mức có kỳ vọng thấp.

Khái niệm này khá đơn giản. Bạn mua cổ phiếu tại mức giá bao hàm kỳ vọng thấp về thành quả tương lai của doanh nghiệp. Liệu mức giá hiện tại ngụ ý kỳ vọng cao hay thấp? Công ty cần phải làm gì trong vòng 3, 5 hoặc 7 năm tới để dung dưỡng cho mức giá hiện tại?

“Mẫu số chung giữa các cổ phiếu chiến thắng của chúng tôi đều xuất phát từ kỳ vọng thấp. Thành tích của một cổ phiếu phụ thuộc vào mối tương quan giữa yếu tố cơ bản và kỳ vọng. Đối với những cổ phiếu thắng lớn, khoảng cách giữa thành tích thực sự và thành tích mà nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là lớn nhất. Các cổ phiếu mang lại thành quả cao nhất của chúng tôi cũng thường là những công ty tiếp tục tích lũy giá trị trong nhiều năm như Amazon”.

Kỳ vọng thấp là điểm khởi đầu của ông Miller. Bằng cách kiên nhẫn, ông có khả năng tận dụng lợi thế của cổ phiếu có kỳ vọng thấp. Khi thấy một ý tưởng đầu tư hay ho, ông sẽ mua dù biết giá cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm.