30/12/2024

Ðội ngũ “cò” Hà Nội chuyển sang vùng ven

Đầu tháng 3, theo lời giới thiệu của môi giới tên Minh Thắng là nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản có tiếng ở Hà Nội, tôi về thành phố Bắc Giang bởi đây chính là địa bàn Thắng và nhiều nhân viên đang phụ trách bán hàng. Theo lời hẹn tôi đến Phường Mỹ Độ ( thuộc thành phố Bắc Giang) vào dự án có tên gọi mĩ miều: Mỹ Độ Vista City. Khi đến nơi dù đã quá giờ trưa nhưng “choáng” là đang nườm nượp khách môi giới đưa tới “mục sở thị” dự án. Quan sát nhanh tôi thấy: Gần kín xe ô tô đỗ gần hết nhiều con đường trong dự án trong đó phần nhiều là biển số của Hà Nội.

Theo lời Thắng kể lại, thời gian này ở đây toàn môi giới ở Hà Nội về và phần nhiều họ cũng toàn dẫn khách ở Hà Nội xuống xem. Dù dự án chưa chính thức mở bán nhưng Thắng cho biết, khách có thể đặt cọc với mức giá khoảng: 22- 25 triệu đồng/m2 tuỳ vào từng lô đất. “Vì dự án gần Hà Nội nên chúng em đi về trong ngày. Đội ngũ môi giới ở tỉnh chưa chuyên nghiệp bằng Hà Nội nên chủ đầu tư chuộng môi giới ở Hà Nội về bán. Ở Hà Nội giờ không có hàng bán và bán cũng khó có khách đầu tư bởi giá cao”, Thắng nói.

Được biết, chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội. Dù vẫn còn ngổn ngang hạ tầng như dự án này được các cò tung chiêu “đánh” trực diện  vào tâm lý khách hàng khi thỉnh thoảng lại phát ra các thông tin kiểu: lô này đã có khách “chốt” hay  đây là vị trí vàng  vì Bắc Giang đang thu hút mạnh đầu tư với nhiều khu công nghiệp. Một dự án khác xa Hà Nội hơn nhưng cũng đang được các “cò” Hà Nội đóng quân bám chặt đó là OceanPark Vân Đồn do Công ty TNHH Quan Minh. Dự án này được các môi giới Hà Nội đưa ra mức giá 22- 15 triệu đồng/m2. Mức giá này được môi giới quảng cáo là  hấp dẫn bởi năm trước tại đây, nhiều dự án bán với giá 28- 40 triệu đồng/m2.

Theo lời một “cò” thạo chuyện: Từ cuối năm ngoái, các môi giới Hà Nội đã bắt đầu “dạt” về các tỉnh thành lân cận ngày một đông. Không chỉ có thế, họ còn “úp mở” mang theo thông tin đang kéo khách Hà Nội về đầu tư. Chính điều này, đã khiến người trong và ngoài tỉnh rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên”. Và thế là đua nhau xuống tiền, lao đi đặt cọc, buôn đất nền. Các dự án đang được môi giới Thủ đô “thổi” lên rầm rộ có thể điểm danh như: Kosy CityBeat Thái Nguyên, khu đô thị mới Xuân Hoà – Phúc Yên – Vĩnh Phúc, khu đô thị Từ Sơn Garden City…

 Giá tăng do tin đồn, lướt sóng

Theo các chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản năm 2021 sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách đặc biệt khi dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Tuy nhiên, nhà đất vẫn là kênh đầu tư được người dân lựa chọn và là hướng trú ẩn an toàn trong bối cảnh như hiện nay. Dịch chuyển về vùng ven vẫn là xu hướng đầu tư dẫn dắt của thị trường trong năm nay.

Mặc dù là xu hướng trong những năm tới, có nhiều tiềm năng nhưng vùng ven cũng là nơi khiến các nhà đầu tư sa lầy nếu không nhạy bén và có kế hoạch tính toán rõ ràng. Thực tế cho thấy, vùng ven là nơi khởi phát cho những cơn sóng đất chớp nhoáng chạy theo thông tin mập mờ về các dự án hạ tầng giao thông, những khu đô thị chỉ mới dạng đề xuất của các ông lớn bất động sản. Những cơn sóng đất này gây sát thương cực lớn cho những người mua thiếu kinh nghiệm như Bình Phước hay như các huyện ngoại thành Hà Nội… Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách vẽ các dự án ma, không có trên quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt khiến người mua mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, thời điểm sau Tết, giá bất động sản tại một số huyện ngoại thành Hà Nội tăng nhưng chưa phải tăng theo giá trị đầu` tư thật, mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, lướt sóng, tập trung vào những khu vực thị trường “nóng”, ăn theo thông tin quy hoạch, đề xuất dự án hạ tầng hoặc thông tin lên quận huyện.

Mới đây, vị chuyên gia này cũng nhận được thông tin sốt đất tại khu vực Bình Phước bởi tin đồn đầu tư sân bay Technic. Ông phân tích:  những thông tin giá đất tăng cao tại khu vực này là sốt ảo. Có nhiều nhà đầu tư mới hoặc có mặt ở những khu sốt đất mới, phần vì tò mò, phần vì “ăn theo đám đông” mua lướt sóng, đặt cọc sang tay kiếm tiền trong ngày. Tuy nhiên, bài học ở những cơn sốt đất đem lại rủi ro thanh khoản cũng như pháp lý… luôn trực chờ, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo.

Ông Đính cho rằng, khi thị trường vẫn còn đang gượng dậy sau dịch, nhiều cò đất lợi dụng thông tin này thổi giá làm thị trường ấm lên. Sau khi có một ít “sóng”, nhóm cò đất này lại nâng giá rồi bán một số lô, giữ lại một số để cuối cùng thổi lên lần 3 với mức giá tăng gấp 3 – 4 lần. Những cơn sốt này thực tế chỉ kéo dài trong 7 – 10 ngày.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, thị trường đất nền ở nhiều địa phương có hiện tượng tăng giá mạnh. Ngoài nguyên nhân đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để “thổi giá”.