25/12/2024

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sắp tới sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài. Thương vụ sẽ được hoàn thành trong quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022.

Về hoạt động kinh doanh, VDSC đánh giá OCB là một ngân hàng nhỏ nhưng có tăng trưởng cao, duy trì tăng trưởng và chất lượng tín dụng tốt trên nền tảng vốn mạnh và thanh khoản dồi dào. Ngân hàng cũng đang có thu nhập ngoài lãi phong phù với đóng góp của mảng thẻ và dịch vụ ngân hàng hàng đầu.

Nhóm phân tích dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng sẽ tăng trưởng lần lượt 25% và 30,7% trong năm 2021 và 2022, tương ứng 5.526 tỷ đồng và 7.223 tỷ đồng. 

Trong đó, thu nhập lãi thuần năm 2021 và 2022 dự báo tăng trưởng lần lượt là 22,7% và 25,7%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2021 và 2022 tăng lần lượt 8,1% và 44%, tương ứng với 10% và 11,5% tổng thu nhập hoạt động của mỗi năm nhờ tăng thu nhập hoạt động ngân hàng đầu tư và thu từ dịch vụ thanh toán, bên cạnh mảng phân phối bảo hiểm vẫn đóng vai trò dẫn dắt.

Tín dụng năm 2021 của OCB được dự báo tăng 20% với hầu hết là dư nợ cho vay. Cùng với đó, tăng trưởng tiền gửi dự phóng ở mức 18% trong khi tổng huy động từ nguồn tài trợ nước ngoài và giấy tờ có giá ước tính tăng 28%, dẫn đến tổng nguồn huy động tăng 20%.

Sang năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 23,9% và tăng trưởng huy động ở mức 23,4%. Biên lãi NIM năm 2021 sẽ đi ngang ở mức 3,85%, tương tự 9 tháng năm 2021.

Cơ sở của nhận định này bao gồm việc OCB tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khách hàng và độ trễ tác động của đại dịch khiến ngân hàng không thể ghi nhận lãi dự thu của các khoản nợ cơ cấu mới phát sinh trong khi các khách hàng đã được tái cơ cấu phục hồi chậm.

Nếu diễn biến dịch bớt phức tạp hơn từ giữa năm 2022, áp lực phải hỗ trợ khách hàng giảm sẽ giúp NIM của ngân hàng tăng 0,11 điểm % lên 3,96% trên nền lãi suất huy động được kỳ vọng ổn định ở mức thấp hiện nay.

Đối với thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ mua bán trái phiếu chính phủ dự báo vẫn tăng về giá trị nhưng giảm dần về tỷ trọng, chiếm 17,2% tổng thu nhập hoạt động năm 2021 và 15,3% năm 2022, so với mức 21,9% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, chi phí hoạt động có thể dần được kiểm soát trong thời gian tới nhờ chuyển đổi số, kéo hệ số CIR giảm về 27,4% trong năm 2021 và 26,2% năm 2022, so với 29,1% năm 2020.

ROA dự báo duy trì quanh mức 2,6 – 2,8% trong khi ROE lần lượt đạt 22,5% và 23,3% trong năm 2021 và 2022.

Đợt dịch lần thứ tư gây áp lực tạm thời lên chất lượng tài sản của ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu có thể tăng từ 1,51% cuối quý III lên 1,7% vào cuối năm 2021, sau đó giảm nhẹ về 1,64% năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng sẽ tăng lên xấp xỉ 1% trên tổng dư nợ giai đoạn 2021 – 2022, so với 0,9% vào cuối quý III/21, do tác động của dịch bệnh lên chất lượng tài sản có độ trễ.

Chuyên gia cho rằng nợ tái cơ cấu có thể tiếp tục hình thành trong một vài quý tới khi áp dụng Thông tư 14. Dự kiến chi phí trích lập dự phòng của OCB sẽ đạt 1.095 tỷ đồng trong năm 2021 (giảm 13,3% so với cùng kỳ) và 1.162 tỷ đồng năm 2022 (tăng 6,1% so với cùng kỳ).