Facebook đổi tên thành Meta; Microsoft, Apple, Google, Tencent, Alibaba, Baidu, Alibaba, Disney, PayPal… trở thành một phần trong chuỗi cung ứng cho metaverse. Ông Trí Phạm mở đầu bài tham luận tại Tech Awards 2021 do báo điện tử VnExpress tổ chức ngày 7/1 bằng dẫn chứng ví dụ từ các đại gia công nghệ thế giới thừa nhận sức mạnh của metaverse (vũ trụ ảo). Ông nhận định metaverse là khái niệm khá khó hiểu với nhiều người trong khi có vô số luồng quan điểm còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, có bốn tính chất cơ bản là sự hội tụ của trải nghiệm online và offline; tính liên tục; quyền sở hữu số và tự chủ danh tính.
“Xu hướng metaverse có thể bắt đầu vào năm 2022 khi các hãng công nghệ nhập cuộc. Điều này càng khiến niềm tin metaverse sẽ trở thành những xu hướng và tương lai Internet có cơ sở”, ông nói.
Tencent Holdings – công ty game lớn nhất Trung Quốc mới đây đã đăng ký hai nhãn hiệu Timi Metaverse và Kings Metaverse để “mở đường” cho tương lai với metaverse. Chỉ vài ngày sau khi Facebook đổi công ty thành Meta, Microsoft đã công bố thông tin sẽ đưa Mesh – một nền tảng hợp tác cho trải nghiệm ảo, trực tiếp vào Microsoft Teams vào năm 2022, cho phép khách hàng chia sẻ các tệp và tính năng Office trong thế giới ảo.
TikTok – Bytedance, công ty sở hữu TikTok đã khẳng định mình không ngoài lề sức nóng của metaverse khi mua lại công ty khởi nghiệp tập trung vào VR có tên Pico. Netflix đã bắt đầu khai thác giá trị của siêu thị kỹ thuật số từ năm 2018 sau khi rục rịch phát hành “Black Mirror: Bandersnatch”. Sau đó, loạt tựa film game: Black Mirror, Stranger Things, Squid Game của gã khổng lồ trực tuyến này cũng khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường video game. Disney trả lời phỏng vấn với CNBC, Bob Chapek khẳng định với các nhà đầu tư rằng metaverse sẽ là hướng đi tương lai cực kỳ phù hợp của hãng hoạt hình có lịch sử lâu đời này.
Metaverse ứng dụng trong đời sống
Nói một cách dễ hiểu, trong metaverse người dùng sẽ điều khiển một nhân vật hoặc avatar để làm mọi thứ: từ tham gia một buổi họp mặt thực tế, thư giãn trong một game trên nền tảng blockchain hay quản lý danh mục đầu tư và tài sản. Ngoài ra nó còn giúp người dùng định danh số, quản trị phi tập trung và các ứng dụng. Tất cả tính năng này hướng đến một nền công nghệ tương lai này. Thế nhưng chỉ online thôi chưa đủ khi thực tế ngoài đời, metaverse cũng được ứng dụng cụ thể trong một số hạng mục.
“Cụ thể, NASA sử dụng AR và VR trên trạm vũ trụ để điều khiển từ xa robot hoặc hoàn thành nhiệm vụ bảo trì với hỗ trợ AR. Ngoài ra, phi hành gia Scott Kelly của NASA từng sử dụng HoloLens trong suốt một năm ông làm việc trên trạm không gian quốc tế ISS”, ông Trí Phạm dẫn chứng.
Còn trong y học, tai nghe thực tế hỗn hợp của Microsoft một lần nữa thành công khi hỗ trợ các bác sĩ sử dụng AR để phẫu thuật. Bằng cách sử dụng HoloLens của Microsoft và thông qua vài lệnh thoại các bác sĩ có thể nhìn thấy hiển thị 3D, dữ liệu của bệnh nhân và hỗ trợ liên hệ với các chuyên gia khác trong trường hợp cấp thiết.
VR và VA là “cánh cửa” vào metaverse
Bất kỳ ai đều có thể bước vào vũ trụ metaverse thông qua smartphone hoặc máy tính có kết nối. Tuy vậy, các chuyên gia công nghệ vẫn yêu cầu người dùng sử dụng những thiết bị kính đặc biệt để có một trải nghiệm tốt nhất với thế giới ảo như một thế giới song song.
Như trong Avatar – bộ phim metaverse với nội dung khám phá thế giới song song với thế giới thực tại có tên Pandora. Phim đặt con người vào một mô phỏng thực tế qua cơ thể và tâm trí của người ngoài hành tinh.
Bộ phim cũng chính là sự phân biệt rạch ròi giữa công nghệ AR và VR – hai công nghệ chính tạo nên vũ trụ metaverse. Tác phẩm này đặt ra giả định để con người có cảm giác một tương lai khác tồn tại song song với họ theo hình thể một Avatar riêng.
Web 3.0 – cơ sở hình thành vũ trụ ảo
Ông Trí Phạm nói, có thể giữa Web 3.0 và metaverse không có nhiều liên quan. Bởi bản chất của Web 3.0 là phân cấp người dùng và hoạt động thông qua các mạng phi tập trung trên nền tảng blockchain. Hiện tại, chúng ta làm việc dựa trên nền tảng Web 2.0 và các ứng dụng mô phỏng 2D. Việc người dùng bị theo dõi, liên tục lộ thông tin cá nhân, hiện tượng tiêu cực khiến cho Web 2.0 gần như không còn tính bảo mật và dần thoái trào. Vào thời điểm này, Web 3.0 trở thành bước tiến khắc phục và cơ sở để hình thành nên metaverse.
Ngoài ra, giới công nghệ còn gọi sự thịnh vượng của Web 3.0 như một cách chuyển giao “quyền lực” cho người dân, theo chủ nghĩa dân chủ. “Mọi người tự chịu trách nhiệm về dữ liệu, thông tin, tìm kiếm của họ”, ông Trí Phạm chia sẻ.