29/12/2024

Cụ thể, chuyển gia phân tích của BSC cho rằng, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14,0%, được hỗ trợ bởi (1) tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh, (2) gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới.

Trước đó, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 đạt hơn 13% nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế. Đây là mức tăng trưởng tín dụng trong kỳ vọng của BSC trong báo cáo ngành gần nhất.

BSC cho rằng NIM trong năm 2022 sẽ tăng 35 bps so với năm 2021 do (1) phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, (2) lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ và (3) tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.

Việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 của nhiều ngân hàng do quy mô cho vay trên khách hàng thấp giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn.

Cuộc cạnh tranh về thị phần CASA sẽ tương đối khốc liệt khi các ông lớn đồng loạt giảm phí dịch vụ. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao với tỷ lệ cao hơn 30% sẽ có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.

Chất lượng tài sản được dự báo sẽ trong tầm kiểm soát khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và đang được cải thiện. Mặc dù có sự ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng vẫn có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay.

BSC cho rằng dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do (1) tổng thu nhập của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng, (2) dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.

“Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành Ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021”, BSC cho biết.

Ngành ngân hàng được định giá ở mức 1,5x P/B F 2022 tính đến hết ngày 11/01/2022, giảm khoảng 15% so với đỉnh toàn ngành do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nhà đầu tư lo ngại về sự sụt giảm lợi nhuận so với kỳ vọng đầu năm. 

Tuy COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, BSC cho rằng ảnh hưởng này không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận trong điều kiện các ngân hàng đã hoàn thành 80% kế hoạch của cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021. “Chúng tôi cho rằng sức khỏe tài chính của các Ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại”, nhóm phân tích cho biết. Báo cáo của BSC cũng nhắc tên 5 mã cổ phiếu đáng lưu ý là BID, STB, VCB, TCB, VPB.