26/12/2024

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do NHNN tổ chức sáng 10/9, ông Dũng cho biết, năm 2020, dự kiến cả nước có khoảng 89 triệu tài khoản cá nhân, tương đương 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 180%. Tại nhiều ngân hàng như VCB, TPBank, VPBank… lượng khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến chiếm hơn 90%, khách hàng giao dịch tại quầy chỉ dưới 10%.

Tuy nhiên, 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện. Tuy nhiên, việc phủ sóng tài chính toàn diện đang gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ, tại vùng sâu, vùng xa, nơi người dân sống xa chi nhánh ngân hàng đến cả trăm km và thu nhập chỉ 500.000 đồng/tháng thì không thể hy vọng họ sẽ bỏ chi phí nửa tháng thu nhập để đến chi nhánh mở tài khoản. Thế nhưng, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng đến tận từng xã cũng rất khó.

Thúc đẩy tài chính toàn diện đang là chiến lược lớn của NHNN. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này, sự hỗ trợ của công nghệ và hành lang pháp lý vô cùng quan trọng. Chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống tài khoản đa cấp độ, không có hệ thống đại lý ngân hàng – cánh tay nối dài của nhà băng – để làm điểm nạp và rút tiền…

Ông Dũng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển rất mạnh thời gian qua, những người đã từng thanh toán qua điện thoại hầu như đều không quay lại thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã khá đầy đủ.

Tuy nhiên, “hòn đá tảng” trong thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đang là thói quen. Để phá vỡ hòn đá tảng này, cần những đòn bẩy chính sách và sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cũng cần hoàn thiện hơn nữa.