12/01/2025

VPBank vừa ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings, nhân đôi lãi suất ngay trong tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiết kiệm online, với số tiền gửi mới chỉ từ 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng trở lên. 

Cụ thể, khi gửi số tiền tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu ưu đãi 9,4%/năm, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 là 4,7%/năm. Như vậy, tính trung bình, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tới 5,48%/năm trong 6 tháng, mức lãi suất này còn cao hơn cả lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng. 

Thậm chí, khi gửi số tiền lớn từ 300 triệu trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất thông thường là 4,9%/năm, riêng tháng đầu tiên là 9,8%/năm, tương đương bình quân 5,71%/năm. 

Số tiền gửi từ 10 tỷ trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, 5 tháng còn lại là 5%/năm, tương đương bình quân 5,83%/năm. 

Số tiền gửi từ 50 tỷ trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 10,4%/năm, 5 tháng còn lại là 5,2%/năm, tương đương bình quân 6,06%/năm. 

Như vậy, với chính sách này, khi gửi tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng, khách hàng VPBank được cộng thêm khoảng 0,8%/năm so với trước đây. 

Không chỉ VPBank mà thời gian gần đây nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm để hút vốn phục vụ mùa kinh doanh cao điểm. Trước đó tại NamABank, ngân hàng áp dụng biểu lãi suất mới từ 15/12/2021 với lãi suất cao nhất 7,4%/năm kỳ hạn từ 16 tháng trở lên và không yêu cầu số dư tối thiểu, tăng 0,3%/năm so với trước. 

Hồi đầu tháng 12, SCB cũng tăng lãi suất tiền gửi online lên cao nhất là 7,15%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng, cao hơn khoảng 0,2 điểm % so với trước. 

VietBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm online thêm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn, hiện lãi suất cao nhất ở nhà băng này là 6,9%/năm, kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. 

Tương tự, một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ khác như Eximbank, OCB, GPBank,…cũng thay biểu lãi suất mới trong tháng 12. 

Trên thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn cuối năm có dấu hiệu eo hẹp hơn khi tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với tăng trưởng tiền gửi. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng đến ngày 22/12 đạt 12,68% so với cuối năm 2020, trước đó tính đến 25/11 là 10,1% và 29/10 là 8,72%. 

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm chỉ đạt 5,2%, trong đó tiền gửi dân cư sụt giảm trong quý 3/2021. Người dân kém “mặn mà” với gửi tiết kiệm một phần do tác động của dịch Covid-19 trong quý 3, một phần vì các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản có khả năng sinh lời hấp dẫn. Số lượng cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán năm nay cũng đã tăng kỷ lục. 

Để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, qua đó bơm thêm tiền đồng vào hệ thống trong những tháng cuối năm 2021. Trong tháng 12, thanh khoản hệ thống được phần nào hỗ trợ thông qua việc KBNN mua ngoại tệ với tổng giá trị 900 triệu USD, tương đương với việc bơm ra thị trường 20,4 nghìn tỷ đồng.

Dưới áp lực của thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong giai đoạn cuối năm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã tăng mạnh gần đây. Tuần trước (20-24/12), lãi suất kỳ hạn qua đêm vọt lên trên 1%, kết tuần ở mức 1,37% (tăng 52 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần là 1,68% (tăng 58 điểm cơ bản).

Lãi suất của những ngân hàng lớn gần như không thay đổi trong vài tháng trở lại đây. Đối với hình thức gửi tại quầy, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm; đối với gửi online cộng thêm 0,1-0,3 điểm % tuỳ kỳ hạn. Lãi suất tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) cũng duy trì ổn định, tương đương với Big4, trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm khi gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.