Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Mỹ cho thấy mức tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự kiến và cũng là cao nhất kể từ khi chỉ số này được thu thập từ năm 1982. Ngay lập tức, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng lên 2% so với mức 1,51% vào cuối năm ngoái.
Hiện tại, các nhà đầu tư coi số liệu trong báo cáo như một manh mối nhằm xác định xem FED sẽ quyết liệt như thế nào trong việc kiềm chế lạm phát kỷ lục ở nước Mỹ.
“Với việc lạm phát tăng vọt, vượt dự báo trong tháng Giêng, thị trường tiếp tục lo ngại về một FED hung hăng hơn nữa. Dù mọi thứ có thể bắt đầu tốt hơn từ đây nhưng lo lắng của thị trường về khả năng FED thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không biến mất cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng về việc lạm phát đang được kiểm soát”, Barry Gibert của LPL Financial, nói.
Trước số liệu từ báo cáo, Dow Jones mở cửa ở 35.514 điểm, giảm khoảng 260 điểm so với giá đóng cửa phiên trước đó. Nasdaq cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mất khoảng 1,7% ngay đầu phiên. S&P 500 cũng mất 1,1%. Cổ phiếu Big Tech cũng giảm sâu khi Apple, Amazon và Microsoft đều đồng loạt mất hơn 1% giá trị.
Lãi suất cao hơn sẽ gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác bởi thu nhập dự kiến sẽ thấp hơn, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
“Cổ phiếu công nghệ, ở mọi ngành nghề, đều giảm. Điều đó có nghĩa là khi lãi suất tăng, cổ phiếu công nghệ sẽ giảm giá”, Randy Frederick của Charles Schwab cho biết. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cao hơn do có nhiều khả năng được hưởng lợi từ lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, những mất mát của chứng khoán Mỹ đã phục hồi chỉ vài giờ sau đó. Tính tới 23h02 theo giờ Hà Nội, Dow Jones chỉ còn giảm 97,11 điểm, tương đương 0,27%. S&P 500 giảm 0,22% trong khi Nasdaq chỉ còn giảm 0,38%.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, Nasdaq giảm 2,1% xuống 14.185,64 điểm. S&P 500 giảm 1,8% xuống 4.504,08 điểm. Dow Jones mất 526,47 điểm, tương đương 1,47%, xuống 35.241,59 điểm.