24/12/2024

Sau khi nhận được hàng chục cuộc điện thoại và tin nhắn từ các ngân hàng với nội dung giới thiệu các khoản vay tiêu dùng giá rẻ, không thế chấp và dễ dàng thực hiện, Eric Zhang đã đến một trong những nhà cho vay lớn nhất Trung Quốc vào tháng 6 và vay 400.000 CNY (57.600 USD) với lãi suất 4%.

Tuy nhiên, có một vấn đề là anh phải ký vào một tờ cam kết rằng số tiền này sẽ không được sử dụng để đầu tư vào bất động sản hay cổ phiếu. Nhưng Zhang không làm như vậy. Vài ngày sau, anh tìm thấy một người có thể giúp anh thực hiện thương vụ mua bán giả và chuyển tiền vào tài khoản môi giới của mình.

Zhang – hiện đang làm việc tại một công ty cổ phần tư nhân tại Thượng Hải, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng ngân hàng này có thể theo dõi khoản tiền đó và xác định được mục đích sử dụng thực sự. Đó thực sự là một giao dịch tuyệt vời với tôi”. Chỉ trong 1 tháng, các khoản đầu tư cổ phiếu mới của anh đã tăng 6%.

Câu chuyện tương tự như của Zhang hiện đang diễn ra trên khắp Trung Quốc, khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ đón nhận đợt tăng giá mạnh nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 2015. Các ngân hàng và nền tảng tài chính cũng bị “cuốn” theo khi nhà đầu tư tìm kiếm những khoản vay để đặt cược vào thị trường chứng khoán biến động nhất thế giới. Chưa dừng ở đó, đây là một chiến lược cực kỳ nguy hiểm đối với những hộ gia đình vốn đã chi tiêu quá nhiều cũng như các ngân hàng – một điều đã khiến các cơ quan quản lý đưa ra sự giám sát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, giới chức cũng có phần nào đáng trách khi để tình trạng này diễn ra. Khi nền kinh tế đang chật vật vì đại dịch, các nhà hoạch định chính sách đã bơm thêm thanh khoản, nới lỏng những hạn chế đối với các ngân hàng trong “bóng tối” để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và những gia đình gặp khó khăn. Việc đi vay quá dễ dàng đã thúc đẩy hoạt động giao dịch chênh lệch đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ và các công ty tận dụng lãi suất thấp để đầu tư vào mọi lĩnh vực, từ tiền gửi cấu trúc lãi suất cao cho đến các sản phẩm quản lý tài sản và cổ phiếu.

Dù hàng triệu người Trung Quốc mất việc trong thời điểm đại dịch bùng phát, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy vẫn tăng lên. Nợ hộ gia đình tăng lên mức kỷ lục là 59,7% GDP trong quý II, gấp đôi so với năm 2012, do tình trạng bùng nổ của thị trường nhà đất và sự phát triển của những nền tảng cho vay online như Alipay của Ant Group.