24/12/2024

Kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế đầu tiên chịu tác động từ đại dịch Covid-19, hiện đang hồi phục nhanh nhất.

Theo Bloomberg, việc các ngành của Trung Quốc phục hồi đang giúp kéo Trung Quốc ra khỏi khoảng thời gian kinh tế suy giảm kéo dài, đồng thời Trung Quốc tiến gần hơn đến khả năng là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm nay. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2%.

Để có thể làm được điều này, Trung Quốc đã giải quyết được rất nhiều ổ dịch nhỏ, đương đầu được với sự suy giảm của nhu cầu toàn cầu, đồng thời giữ được nhu cầu tiêu dùng của thị trường ở mức cao dù rằng nhiều người lo sợ về khả năng Chiến tranh Lạnh công nghệ với Mỹ.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt có nhiều nguyên nhân, trước tiên, phía Trung Quốc chấp nhận các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo, thế giới cũng vẫn rất cần hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc. Doanh số bán hàng hóa trong tháng 7/2020 cũng tăng khi mà các nhà máy mở cửa trở lại và nhiều cửa hàng bán lẻ hoạt động sau khi nghỉ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, số liệu chính thức vẫn chưa nói lên hết tình hình thất nghiệp thực sự sau khoảng thời gian doanh nghiệp phải đóng cửa. Ngoài ra, chừng nào mà tâm lý người tiêu dùng còn chưa cải thiện, quá trình phục hồi kinh tế khó có thể nhanh hơn. Một yếu tố bất thường kiểu như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại có thể đồng nghĩa với chính sách hỗ trợ kinh tế hiện tại, sẽ vẫn phải thay đổi.

Các cuộc đối thoại về thương mại với Mỹ dự kiến được tổ chức trong tuần này đã bị trì hoãn.

Dấu hiệu cho thấy kinh tế tăng trưởng tốt được công bố trong ngày thứ Sáu. Số liệu công bố vào tháng 7/2020 cho thấy sản xuất công nghiệp Trung Quốc tháng 7/2020 tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tương đương như tháng 6/2020 tuy nhiên thấp hơn kỳ vọng của giới chuyên gia. Doanh số bán lẻ nói chung giảm 1,1%, đầu tư tài sản cố định giảm 1,6% trong 7 tháng đầu năm nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics ở Hồng Kông, ông Tommy Wu, nhận xét: “Quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang đúng hướng. Đầu tư giữ vai trò lớn trong khi tại các khu vực còn lại của thế giới, hỗ trợ chính sách tài khóa của thế giới tập trung chủ yếu vào việc làm. Điều này lý giải tại sao kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi ở tốc độ nhanh hơn và vững vàng hơn ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế theo hướng độc lập hơn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đối đầu ngày một nhiều với Mỹ.

Trong các phát biểu trong tuần qua, ông Tập Cận Bình nhắc đến mô hình phát triển kinh tế lưu thông kép, đó là khi kinh tế nội địa vững vàng được coi như động lực tăng trưởng chính được hỗ trợ bởi công nghệ và đầu tư ngoại.

Chính phủ Trung Quốc đang điều chỉnh mạnh chính sách tài khóa để thúc đẩy đầu tư. Chính phủ Trung Quốc đang chi tiêu mạnh vào hạ tầng, đặc biệt với những ngành phát triển theo định hướng công nghệ. Ước tính 3,75 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 540 tỷ USD trái phiếu đặc biệt sẽ được phát hành trong năm nay để huy động tiền cho các nỗ lực trên.

Mỹ và Trung Quốc đã trì hoãn việc xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến được lên lịch vào ngày thứ Bảy tuần này, theo nhiều nguồn tin mà Reuters có được. Lý do được đưa ra là bởi xung đột tăng cao hơn, ngoài ra cũng cần thêm thời gian để xem xét về việc Trung Quốc mua hàng xuất khẩu của Mỹ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cho đến nay hai bên chưa đưa ra được ngày giờ cụ thể cho việc sẽ nối lại đàm phán về thỏa thuận thương mại.

Ban đầu, lẽ ra các cuộc đối thoại về thương mại dự kiến được tổ chức vào ngày thứ Bảy, đúng 6 tháng sau khi thỏa thuận thương mại mà hai bên ký kết chính thức có hiệu lực. Từ thời điểm ký kết đó, đại dịch Covid-19 lây lan rộng và tác động xấu đến toàn cầu.

Trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định quan điểm thỏa thuận thương mại đang có kết quả tốt, tuy nhiên ông không hề nhắc gì đến việc đàm phán đã bị trì hoãn.

Theo một nguồn tin khác, quan chức Mỹ muốn có thêm thời gian để phía Trung Quốc mua thêm hàng hóa nông sản Mỹ nhằm cải thiện hình ảnh của thỏa thuận thương mại này trong mắt các chính trị gia.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị hàng hóa, năng lượng và dịch vụ mà phía Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn rất nhiều so với tốc độ cần thiết để đạt được mục tiêu giá trị hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm nay cao hơn 77 tỷ USD so với thời điểm năm 2017.

Kinh tế Trung Quốc giờ đây đã phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay, vì vậy việc mua hàng Mỹ cũng đang được đẩy mạnh hơn. Trong ngày thứ Sáu, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố đã bán 126.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc, như vậy đã có 8 ngày liên tiếp phía Mỹ bán được lượng hàng lớn cho Trung Quốc.