24/12/2024

Anh Đỗ Minh Nhật đang sinh sống tại Thiết Úng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Trước đây anh tốt nghiệp trường Đại Học Tài Nguyên và Môi Trường. Hiện tại công việc của anh đó là sản xuất tượng Phật. Cơ sở của anh là Điêu Khắc Kim Thân Phật Hương Sen Vạn Đức, địa chỉ ngõ 116 Thiết Úng, Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội. Với mong muốn là mang đến cho chùa, quý thầy và quý phật tử những kim thân phật đẹp nhất, trang nghiêm nhất. Theo anh chia sẻ thì mỗi bức tượng dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua rất nhiều công đoạn mới thành phẩm. Đến với nghề bằng nhiều lý do nhưng để gắn bó với công việc này lâu dài, đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, chịu cực, tìm tòi, học hỏi.

Anh Nhật cho biết: “Tùy theo từng loại tượng mà người thợ sẽ mất từ vài tuần đến vài tháng. Tạc tượng từ gỗ thường không có khuôn sẵn, vì vậy người thợ phải có kinh nghiệm lâu năm, chuyên nghiệp mới có thể cho ra sản phẩm tốt. Sau khi trải qua công đoạn tạc tỉ mỉ sẽ tới phần chà giấy nhám, vẽ mặt, sơn màu cho tượng. Tôi phụ trách tạc tượng đến khi thành hình. Công đoạn vẽ, sơn màu sẽ do bộ phận khác phụ trách. Tạc tượng Phật là khó nhất, để tạo ra một bức tượng đẹp, ngoài sự cân đối về hình thể thì gương mặt quyết định sự thành bại của tác phẩm. Đối với tượng Phật Quan Âm thì mình phải làm cho gương mặt toát lên vẻ từ bi, phúc hậu, tà áo bay có cảm giác mềm mại. Phật Di Lặc thì gương mặt tươi cười, hiền hòa. Làm nghề này chủ yếu “nghề dạy nghề” là chính”. Khi bắt tay vào việc, người thợ phải có tâm trạng tốt nhất, thoải mái nhất thì mới lột tả được cái “hồn” của bức tượng. Làm nghề này ngoài tỉ mỉ, khéo léo thì người thợ phải có niềm đam mê, tự tìm tòi, học hỏi thêm. Đặc biệt, phải có sức khỏe vì công việc này rất vất vả và thường xuyên phải tiếp xúc nhiều với bụi gỗ”.

Phải tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra những bức tượng bằng gỗ mới biết đằng sau những sản phẩm đẹp mắt ấy là mồ hôi, công sức của biết bao người. Tuy nhiên, hiện nay, do sự cạnh tranh của các loại chất liệu khác nên cuộc sống của những người làm nghề tạc tượng gỗ cũng gặp không ít khó khăn. Đến với nghề là “duyên” nhưng để “trụ” được với nghề thì đòi hỏi những người thợ phải có tâm huyết, niềm đam mê thật sự mãnh liệt với công việc này.