25/12/2024

Dòng tiền đón đầu cơ hội “bình thường mới”

Sau những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng của người dân và chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, hoạt động kinh tế từng bước bắt đầu được khôi phục.

Từ ngày 21/9, Hà Nội và Long An áp dụng chỉ thị 15; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre… từng bước áp dụng điều kiện “bình thường mới” tại các vùng xanh và đặc biệt TP.HCM đang đặt mục tiêu sẽ nới lỏng giãn cách trong tháng 10/2021. Hoạt động sản xuất và kinh doanh theo đó sẽ dần hồi phục.

Thị trường chứng khoán đã tạo đáy ngày 19/7 với vùng giá 1.243,51 điểm, thị trường tiếp tục tạo đáy thứ hai vào ngày 24/8 vùng 1.298,74 điểm, tăng 4,4% so với ngày 19/7 và hiện tại đang trong xu hướng tiếp tục tăng điểm. Tính tới ngày 21/9, chỉ số VN-Index đạt 1339,84 điểm, tăng 7,7% so với đáy ngày 19/7.

Có thể thấy thị trường chứng khoán đã tạo đáy trước nền kinh tế từ ngày 19/7 và đang tiếp tục xu hướng leo dốc.

Trước đó, trong giai đoạn từ 19/7 – 21/9, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ (midcaps), cổ phiếu có “game” tăng vốn hoặc một số cổ phiếu hưởng lợi từ giá cước vận tải, giá khí thiên nhiên tăng…, giúp giá các cổ phiếu này tăng mạnh. Ngược lại, nhóm cổ phiếu trụ, cơ bản và đặc biệt là nhóm VN30 chỉ tăng 5,2%, thấp hơn so với nhóm cổ phiếu midcaps.

Tuy nhiên, trong lịch sử các chu kỳ sóng, nhóm cổ phiếu midcaps có thể biến động tăng/giảm mạnh trong ngắn hạn, nhưng không thể dẫn dắt thị trường tạo đỉnh cao mới. Thông thường, để tạo đỉnh mới phải có nhóm cổ phiếu trụ, cổ phiếu cơ bản dẫn sóng. Đặc biệt, trong vòng 10 năm trở lại đây, nhóm cổ phiếu cơ bản có xu hướng tăng trưởng và tạo lợi nhuận bền vững hàng năm cho nhà đầu tư

Đây cũng là nhóm được đánh giá sẽ thu hút dòng tiền đón đầu cơ hội hậu giãn cách, khi nền kinh tế theo đà hồi phục. Hiểu được câu chuyện dòng tiền hiện tại, nhà đầu tư nên tìm kiếm các dấu hiệu để xác định điểm đến của dòng tiền và tìm ra cơ hội đầu tư.

Chọn nhóm cổ phiếu nào để đón sóng?

Theo SSI Research, việc nới lỏng giãn cách một cách thận trọng kỳ vọng có thể diễn ra trong quý IV/2021, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế. Chất xúc tác hiện nay cho TTCK nằm ở chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá nới lỏng vẫn còn dư địa thực hiện.

Có thể thấy, câu chuyện sóng mở cửa lại nền kinh tế của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang có nét tương đồng với các quốc gia châu Âu, Mỹ đầu năm 2021, tại Ấn Độ giai đoạn tháng 6/2021… Nhìn chung, sau một giai đoạn giãn cách kéo dài, nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường chứng khoán đều tăng điểm tích cực nhờ mặt bằng lãi suất thấp giúp định giá lại giá tài sản tài chính.

Nhiều công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị để nhà đầu tư có thể đón sóng hậu giãn cách. Chẳng hạn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu các công ty logistics (khuyến nghị nắm giữ GMD và mua HAH), hàng tiêu dùng (khuyến nghị nắm giữ MSN, QNS), công nghệ (khuyến nghị nắm giữ FPT)…

Mặc dù từng bước gỡ bỏ giãn cách nhưng với việc không loại bỏ hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, yêu cầu giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc vẫn được duy trì. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh để gia tăng hiệu quả và thích nghi với điều kiện bình thường mới. Đây là lý do theo SSI Research, bước vào giai đoạn hậu giãn cách, nhu cầu với công nghệ vẫn tiếp tục gia tăng trong trung và dài hạn.

Trong số nhóm cổ phiếu công nghệ, FPT vẫn đang là đại diện với mức tăng trưởng ổn định. Trong báo cáo 8 tháng đầu năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu đạt 21.842 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.005 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 19,2% và 19,8% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,2% lên 18,3%. Như vậy, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 5.261 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 76% kế hoạch năm chỉ sau 8 tháng.

Ngoài ra, giới đầu tư còn đánh giá cao sức khỏe tài chính của FPT khi là công ty sở hữu quỹ tiền mặt lớn, vay nợ thấp, là cổ phiếu có độ rủi ro thấp trước các biến động của thị trường chung. Cụ thể, tính tới 30/6/2021, FPT có tới 20.511,4 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 43,7% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng vay nợ chỉ là 17.161,6 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng nguồn vốn.