26/12/2024

Doanh nghiệp “không thể trụ được” với “3 tại chỗ”

Theo ông Hải, giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm; do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động; thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động: công nhân, bảo vệ, người quản lý, … ), thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn) và rất nhiều khó khăn khác.

Cùng với rất nhiều dự án ở các tỉnh thành khác phải ngưng thi công như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, toàn bộ các dự án của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và nhiều doanh nghiệp xây dựng khác tại TP.HCM đều phải ngừng thi công. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn tương tự.

“Cách làm này vô tình gây tác động vô cùng to lớn không chỉ riêng TP.HCM và các tỉnh lân cận mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, vì riêng TP.HCM chiếm đến hơn 20% GDP của quốc gia và đóng góp gần 30% ngân sách cả nước.

Nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định, trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa, thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không thể đạt được”, ông Hải cho biết trong công văn.

“3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kiềm hãm được đà lây lan của dịch bệnhÔng Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Bình

Cũng theo ông Hải, thời gian giãn cách kéo dài nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ; những hộ kinh doanh, người buôn bán, công nhân xây dựng sống bằng thu nhập hàng ngày không thể trụ được. Riêng ngành xây dựng thì 3 năm vừa qua đã gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư mới được cấp phép và biến động giá vật tư xây dựng..

Ông Hải dẫn trường hợp Vissan, công trường xây dựng của Hòa Bình, xưởng sản xuất gạch bông của Secoin là những ví dụ điển hình chứng minh “3 tại chỗ” hay “1 cung đường – 2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kiềm hãm được đà lây lan của dịch bệnh do vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho việc hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây là do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất.

“Những khu nhà chật chội ở trong các con hẻm nhỏ cũng là những ổ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào dù có quy định ngăn cấm mọi tiếp xúc”, ông Hải cho biết.

Cần chủ động, tích cực hơn bằng “Công thức 7K+3T”

Tại công văn gửi lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo TP.HCM, ông Hải đề xuất người dân và doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch, thay vì khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” và “Thông điệp 5K” bằng “7K+3T” trong đó, 7K bao gồm: “Khẩu trang – Khoảng cách – Khử khuẩn – Không tụ tập – Khai báo y tế – Không khí trong lành – Khỏe mạnh” và 3T là: “Tự phát hiện – Tự cách ly – Tự chăm sóc”.

“Công thức 7K + 3T” không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19”, ông Hải cho biết.