25/12/2024

Trong suốt mấy chục năm, Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer vẫn là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ nhất khi chỉ trích Trung Quốc và các chính sách thương mại của nước này.

Tuy nhiên, kể từ khi đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Bắc Kinh hồi tháng 1, ông lại trở thành một trong những người ủng hộ Trung Quốc nhiều nhất trong chính quyền Trump, thậm chí trở thành 1 “chướng ngại vật” đối với các nhà làm luật và những quan chức cấp cao khác ở Nhà Trắng muốn trừng phạt Trung Quốc và bắt đầu đàm phán thương mại với đảo Đài Loan.

Mấy tháng vừa qua, Lighthizer đã đứng lên chống lại một số chính sách được đề xuất để chọc giận Bắc Kinh, cho rằng làm như vậy sẽ làm trật bánh thỏa thuận thương mại mà ông cùng Tổng thống Trump đã dành ra hơn 2 năm để theo đuổi.

Lighthizer cũng không còn công khai chỉ trích Trung Quốc, thay vào đó còn ca ngợi nỗ lực tuân theo thỏa thuận của Bắc Kinh. Điều này khiến ông rơi vào thế đối đầu trực diện với các thành viên “diều hâu” hơn trong nội các, trong đó có các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đang hối thúc Mỹ hãy củng cố hơn nữa mối quan hệ với Đài Loan.

Tuần trước, 50 thượng nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã gửi cho Lighthizer 1 bức thư kêu gọi ông hãy bắt đầu quá trình chính thức đàm phán hiệp định thương mại với đảo Đài Loan. Lập luận của họ là đàm phán trực tiếp với Đài Loan sẽ giúp Mỹ đối đầu với chuyện Trung Quốc ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng về mặt công nghệ và thương mại. Tuy nhiên một động thái như vậy chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh.

Thái độ nồng ấm hơn mà Lighthizer dành cho Bắc Kinh xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung dâng cao. Trump cho biết ông “không hài lòng” khi Trung Quốc để cho virus corona lây lan ra ngoài biên giới và đã tăng cường trừng phạt các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như TikTok và WeChat, viện dẫn lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Tuy nhiên ông Trump vẫn không quyết định chấm dứt thỏa thuận thương mại hoặc đe dọa tấn công thêm Bắc Kinh trên mặt trận thương mại. Một phần nguyên nhân là do Tổng thống phải chịu nhiều áp lực từ các ngân hàng, doanh nghiệp và người nông dân Mỹ, đặc biệt là ở thời điểm nhạy cảm ngay trước thềm bầu cử như hiện nay.

Hồi tháng 1, người nông dân Mỹ đã vui mừng chào đón thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giải tỏa nỗi lo về thị trường tiêu thụ đã kéo dài vài tháng. Thỏa thuận mở rộng cửa bước vào thị trường Trung Quốc cho các ngân hàng cũng như các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ. Trung Quốc cũng hứa hẹn nhập khẩu khối lượng kỷ lục đậu tương, thịt lợn và khí đốt.

Tuy nhiên cho đến nay những mục tiêu đầy tham vọng vẫn chỉ là những con số xa vời thiếu thực tế. Trung Quốc mới chỉ thực hiện một phần lời hứa.

Dẫu vậy, Lighthizer vẫn bảo vệ thỏa thuận đến cùng. Hồi tháng 6, ông phát biểu rằng Trung Quốc có “mọi chỉ báo” cho thấy sẽ thực hiện đúng thỏa thuận bất chấp dịch bệnh. Ông dành những chỉ trích nặng nề nhất nhằm vào WTO, tổ chức mà ông gọi là “1 mớ hỗn độn” cần 1 cuộc cải cách lớn và Liên minh châu Âu – nơi ông đe dọa sẽ đánh thuế nếu không chấp thuận hiệp định thương mại theo những yêu cầu của Mỹ.

Thái độ của Lighthizer đối với Trung Quốc thay đổi là điều rất đáng chú ý. Chính quá khứ chống Trung Quốc (trong đó có những vụ kiện thương mại chống lại Trung Quốc và phản đối nước này gia nhập WTO) là thứ đầu tiên kết nối ông với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, gần đây ông đã phản đối áp dụng cấm nhập khẩu bông và cà chua từ Tân Cương cũng như trừng phạt Trung Quốc vì luật an ninh mới ở Hồng Kông.

Clete Willems, cựu quan chức thương mại từng làm việc cho ông Trump, ủng hộ quan điểm của Lighthizer. Theo ông chính quyền Trump chỉ nên “hành động mạnh mẽ về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương nếu như những hành động đó buộc Trung Quốc phải thay đổi và không mang đến những hậu quả ngoài ý muốn. Về Hồng Kông, “đơn giản là chúng ta không nhập đủ hàng hóa để thay đổi hành vi của Trung Quốc. Còn Tân Cương sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng của ngành dệt may toàn cầu”, ông nói.

Tuy nhiên việc Lighthizer không muốn bắt đầu đàm phán thương mại với đảo Đài Loan là vấn đề gây ra tranh cãi hơn nhiều. Đặc biệt điều đó đặt ông vào thế đối đầu với các quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ thương mại và cả Hội đồng an ninh quốc gia. Đài Loan chỉ có chưa đến 24 triệu dân nhưng lại là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ trong năm 2019, do đó là thị trường rất lớn dành cho các nông sản và cả vũ khí của Mỹ.

Nhiều quan chức Mỹ cũng cho rằng Đài Loan – vốn là nhà cung ứng thiết bị điện tử lớn trên thế giới – sẽ là câu trả lời để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong một số lĩnh vực công nghệ cao. Hồi tháng 5, chính quyền Trump thông báo công ty chip TSMC của Đài Loan cam kết xây dựng nhà máy ở Arizona.

Dẫu vậy một số người cũng nhận định Mỹ đã dành tới 2 thập kỷ đàm phán thương mại và đầu tư với Đài Loan nhưng thu về được rất ít kết quả. Có lẽ Lighthizer không muốn khởi đầu 1 quá trình dài và khó khăn như vậy ở ngay trước thềm bầu cử.

Tham khảo New York Times