27/12/2024

Khi mà thị trường bất động sản tại Mỹ bùng nổ, giá nhà ở tại nhiều khu vực trên thế giới, từ Amsterdam cho đến Auckland, cũng đang tăng đáng kể. Thực tế này không  khỏi khiến nhiều người dự báo về khả năng bong bóng giá bất động sản. Chính phủ nhiều nước có thể sẽ phải hành động để ngăn thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng.

Theo Wall Street Journal, các nhà hoạch định chính sách kinh tế tại nhiều nước hiện đã đang lo lắng về giá bất động sản cao tại nhiều khu vực của châu Âu, châu Á và Canada. Thực ra nỗi lo này không phải mới mà nó đã có từ trước đại dịch Covid-19. Nhiều năm lãi suất cơ bản thấp khiến cho nhu cầu với bất động sản tăng lên.

Từ khi có đại dịch Covid-19, hàng nghìn tỷ USD tiền kích cầu được bơm ra trên toàn thế giới để giúp các nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19 cùng với việc thói quan mua sắm của người dân thay đổi, thêm nhiều người làm việc ở nhà, tiền đổ vào các loại tài sản nhiều hơn.

Tất cả các yếu tố trên khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế “gặp khó”. Chính phủ nhiều nước muốn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp để duy trì đà phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, tuy nhiên họ lo ngại về rủi ro người dân sẽ vay nợ quá nhiều để mua nhà còn giá nhà sẽ có thể tăng chậm hoặc giảm hơn nữa.

Một số công cụ chính sách khác để làm giảm nhu cầu ví như hạn chế cho vay thế chấp tuy nhiên không phát huy tác dụng hoặc đang bị trì hoãn bởi giới chức quản lý kinh tế muốn đảm bảo kinh tế tăng trưởng ổn định.

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển mới đây đã cảnh báo rằng những nguồn tài chính giá rẻ và nguồn tiền tiết kiệm tăng thêm trong đại dịch Covid-19 có thể khiến người ta chấp nhận vay thêm tiền để mua nhà, chính vì vậy giá bất động sản tăng nóng.

Trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, ông Karsten Biltoft, nhận xét: “Rõ ràng giá nhà tăng từ 5 đến 10%/năm, tùy thuộc vào chúng ta đang nói đến thị trường nào. Tuy nhiên mức tăng này không thể nào bền vững trong dài hạn”.

Tại Trung Quốc, các nhà quản lý thị trường đã cố gắng đưa ra thêm nhiều biện pháp nhằm hạn chế giá bất động sản tăng nóng trong bối cảnh nhiều nhà quản lý đã cảnh báo về rủi ro bong bóng giá bất động sản.

Ví như chỉ tại thành phố Thâm Quyến, giá bất động sản đã tăng đến 16% chỉ riêng trong năm vừa qua. Tại New Zealand, giới chức New Zealand mới đây đã buộc phải siết chặt tiêu chuẩn cho vay thế chấp khi mà giá nhà tại nước này ở thời điểm tháng 2/2021 đã tăng đến 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Sydney, nơi mà giá bất động sản tăng lập kỷ lục trong thời gian gần đây, nhu cầu vay thế chấp cao đến nỗi mà một số ngân hàng phải chật vật mới có thể theo kịp được thị trường, theo chia sẻ của chuyên gia tư vấn tín dụng cao cấp tại tổ chức môi giới Shore Financial. Trong nhiều trường hợp, thời gian xử lý hồ sơ môi giới đã tăng từ vài ngày lên vài tháng.

Trong nhóm 37 nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá nhà lập kỷ lục trong quý 3/2020. Giá nhà tăng gần 5% trong năm gần nhất và như vậy ghi nhận mức độ tăng cao nhất trong gần 20 năm.

Tại Mỹ, giá nhà cũng tăng tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chưa đến mức phải lo ngại. So với nhiều chu kỳ tăng giá bất động sản trước đây, những người mua nhà có tiền sử tín dụng tốt đang dành dụm thêm nhiều tiền để mua bất động sản.

Nhiều chuyên gia kinh tế chứng kiến tình trạng giá nhà tăng nóng tại nhiều nơi khác, tuy nhiên họ cho rằng kịch bản của khủng hoảng bất động sản toàn cầu năm 2008 dẫn đến suy thoái kinh tế sẽ không lặp lại. Các thị trường đang tăng trưởng nóng sẽ có thể tự nhiên dần dần hạ nhiệt khi mà lãi suất tăng và nhu cầu đi xuống.

Hàng loạt chuyên gia kinh tế còn cho rằng việc giá nhà tăng trên toàn cầu chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nâng cấp nhà ở thực tế của người dân chứ không phải do đầu cơ, nhiều hộ gia đình muốn có nhà to rộng và hiện đại hơn khi mà họ làm việc ở nhà nhiều hơn trước.