Trung Quốc đang rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng. Thời tiết cực đoan, nhu cầu năng lượng tăng vọt và các biện pháp hạn chế sử dụng than hà khắc đã giáng một đòn mạnh vào hệ thống lưới điện quốc gia của nước này. Vấn đề này có thể kéo dài trong nhiều tháng và gây áp lực lên đà phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng như thương mại toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất 10 năm qua
Một số tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả những nơi vốn là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, cho biết họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trong vài tuần gần đây.
Quảng Đông là trung tâm sản xuất đóng góp 1.700 tỷ USD, tương đương hơn 10% sản lượng kinh tế hàng năm và chiếm phần lớn trong thương mại quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỉnh này đã phải phân bổ điện trong hơn một tháng qua. Các biện pháp hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19 buộc doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải đóng cửa trong vài ngày mỗi tuần. Một số cơ quan chức năng của tỉnh cảnh báo việc phân bổ điện có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Không riêng gì Quảng Đông, ít nhất 9 tỉnh khác ở Trung Quốc cũng cho biết họ đang phải đối mặt với vấn đề tương tự, như Vân Nam, Quảng Tây và trung tâm sản xuất Chiết Giang. Điều này buộc chính quyền khu vực phải tuyên bố hạn chế cung ứng điện cho khu vực có tổng diện tích bằng Anh, Đức, Pháp và Nhật Bản cộng lại.
Khủng hoảng thiếu điện thậm chí còn kéo giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất ở Trung Quốc trong tháng 6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thừa nhận ngày 30/6. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất chính thức của Trung Quốc trong tháng 6 là 50,9 điểm, thấp hơn mức 51 điểm của tháng 5.
Đây là cuộc khủng hoảng thiếu điện tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011, thời điểm hạn hán và giá than tăng cao khiến 17 tỉnh phải hạn chế sử dụng điện. Các nhà máy điện không muốn sản xuất nhiều điện khi giá than đắt đỏ vì chính phủ quản lý giá điện nên các nhà sản xuất không thể tự tăng giá.
Đến nay, sự bùng nổ của giá hàng hóa và tình trạng thời tiết khắc nghiệt một lần nữa buộc các nhà máy điện than phải hạn chế sản lượng, đồng thời cũng cản trở hoạt động của thủy điện. Tuy nhiên, lần này có một điểm khác biệt lớn so với thời gian trước: Trung Quốc đang vật lộn với mục tiêu trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2060 mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra trước đó.
Đối với quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới này, mục tiêu tham vọng trên đồng nghĩa các mỏ than phải sản xuất ít hơn, dẫn đến giá cao hơn, theo Yao Pei, trưởng phòng chiến lược của công ty môi giới Soochow Securities.