25/12/2024

Trong vòng chưa đầy 1 tuần, đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump – Tom Barrack, đã được trả tự do với số tiền 250 triệu USD. Nhà sáng lập hãng ô tô điện Nikola – Trevor Milton, cũng được ra tù với 100 triệu USD. Đây là 2 trong số những khoản tiền bảo lãnh cao nhất tại Mỹ vào những năm gần đây.

Số tiền bảo lãnh trên đã làm nổi bật một phần ít người nhìn thấy trong hệ thống tư pháp hình sự của Mỹ. Tại đó, nhiều cuộc “giao kèo” được thực hiện sau những cánh cửa đóng kín và các nhà phê bình nhận định đó là một hệ thống “bẫy” người nghèo.

Darryl Brown – giáo sư luật tại Đại học Virginia, cho biết: “Khoản tiền bảo lãnh cho Barrack và Milton cao bất thường, vì cả 2 bị cáo này đều giàu có một cách bất thường. Mục đích của tiền bảo lãnh là để đảm bảo rằng bị đơn phải quay trở lại toà án và không bỏ trốn khỏi nước Mỹ. Số tiền này phải đủ lớn để họ không tái phạm.”

Dù 2 khoản bảo lãnh 9 con số được nộp ngay gần nhau là một điều hiếm thấy, nhưng số tiền khổng lồ tương tự không phải là một điều gì mới tại Mỹ. Khoản tiền bảo lãnh cao nhất quốc gia này từng ghi nhận là 3 tỷ USD, do một thẩm phán Texas đưa ra vào năm 2003 cho Robert Durst – một người thừa kế bất động sản, sau khi người này đã không nộp tiền bảo lãnh một lần.

Ngoài ra, Raj Rajaratnam của Galleon Group cũng được trả tự do sau khi nộp 100 triệu USD vào năm 2009 và “ông vua trái phiếu rác” Michael Milken cũng được tại ngoại với 75 triệu USD năm 1989.

Thông thường, các bị cáo sẽ được bảo lãnh theo 2 cách. Luật sư của họ có thể thực hiện một thảo thuận ngầm với các công tố viên, sau đó cần được thẩm phán phê duyệt. Ngoài ra, nếu không đạt được đồng thuận với các công tố viên về các điều khoản trả tự do, mọi thứ phụ thuộc vào thẩm phán.

Alison Siegler – giám đốc Federal Criminal Justice Clinic tại Trường Luật Đại học Chicago, cho biết: “Hiếm khi thẩm phán chỉ đưa ra một con số ngẫu nhiên vào nói hãy nộp 100.000 hay 250.000 USD tiền bảo lãnh. Trong khi đó, số tiền sẽ được bị cáo và luật sư của họ đề xuất, trước tiên là cho công tố viên và sau đó là thẩm phán.”

Trước các phiên điều trần về việc giam giữ, các bị cáo liên bang sẽ có cuộc phỏng vấn với Bộ phận Trước xét xử (Pretrial Services) về tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi tiêu. Bị cáo có thể sử dụng bất kỳ tài sản nào để đảm bảo cho khoản bảo lãnh, hoặc có thể nhờ người nhà, bạn thân đóng góp.

Barrack đã phải ngồi tù 3 đêm trước khi thoả thuận về khoản bảo lãnh tại ngoại được hoành thành. Ông đã được trả tự do sau khi đảm bảo bằng ngôi nhà của mình, 5 triệu USD tiền mặt và các bộ phận trong DigitalBridge Group. Ngoài ra, vợ cũ của Barrack, con trai và cộng sự kinh doanh cũ cũng đóng góp 1 phần trong số bất động sản của họ.

Trong khi đó, khoản bảo lãi 100 triệu USD của Milton đến từ 2 bất động sản trị giá 40 triệu USD. Sau đó, ông có thể trở về sống tại một trang trại rộng 2.700 acre ở Utah khi chờ đợi cuộc xét xử về những cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư.

Sandra Mayson – giáo sư tại Trường Luật Carey thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết, đại đa số những người bị bắt và buộc tội đều không đủ khả năng chi trả cho khoản tiền bảo lãnh. Trong khi đó, những người giàu có hơn có thể nhanh chóng huy động được bất kỳ con số nào để được ra tù.

Sự khác biệt như vậy đã làm dấy lên một phong trào trên toàn nước Mỹ về việc cấm bảo lãnh bằng tiền mặt và nhận được sự ủng hộ của toà án cao nhất bang California.

Các thẩm phán của California đã đồng tình và đưa ra dẫn chứng về trường hợp của một người đàn ông da màu 66 tuổi ở San Fracisco. Người này bị buộc tội cướp 7 USD và một chai nước hoa từ nạn nhân 79 tuổi.

Khoản tiền bảo lãnh ban đầu là 600.000 USD, sau đó một thẩm phán đã giảm xuống còn 350.000 USD. Tuy nhiên, một luật sư bảo lãnh cho bị cáo đã lập luận người này quá nghèo và không thể chi trả khoản tiền trên.

Insha Rahman, phó chủ tịch vận động và quan hệ đối tác tại Học viện Tư pháp Vera, cho hay: “Vụ  của Barrack càng nhấn mạnh những gì đại đa số những người từng liên quan đến hệ thống pháp luật Mỹ rằng: có một hệ thống công lý cho người giàu và một hệ thống khác cho người nghèo.” 

Tham khảo Bloomberg