25/12/2024

Cơ hội nào cho nhà đầu tư tại thị trường Quảng Ninh?

Sự sụt giảm nguồn cung tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM do chính sách siết chặt tín dụng và hạn chế cấp phép dự án mới; sự bão hòa đang xuất hiện tại hàng loạt các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống… Thực tế này không chỉ đặt ra bài toán cho nhiều doanh nghiệp địa ốc mà còn là câu hỏi bỏ ngỏ dành cho các nhà đầu tư: Đi đâu để triển khai dự án mới và giải ngân nguồn vốn?

Việc kiếm tìm quỹ đất tại các địa phương vùng ven đô thị lớn, hay đi khai phá thị trường mới đang là lời giải được nhiều chủ đầu tư hướng tới. Đi cùng với sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư sơ cấp chính là sự gia tăng đột biến của dòng vốn thứ cấp tại những thị trường mới đầy tiềm năng phát triển này.

Đơn cử như tại Quảng Ninh, trong vai trò nhiều năm lọt Top đầu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang là thị trường kinh doanh sôi động của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện với đầy đủ các “đường” cùng vị trí trung tâm trong tam giác kinh tế Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh thu hút dòng vốn đầu tư. Thống kê của Sở KH&ĐT cho thấy trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng năm 2020 tỉnh này đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% so với năm 2019. Trong đó có 28 dự án FDI, vốn đăng ký 526,2 triệu USD, tăng 84,5% so với năm 2019.

Uông Bí – Điểm hẹn mới trên bản đồ địa ốc

Trong lĩnh vực bất động sản, các thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh đang “thay da đổi thịt” hàng ngày với sự xuất hiện của hàng loạt những tên tuổi “đại gia” địa ốc như Vingroup, Sungroup, FLC, BIM, TNR… Chỉ tính riêng TP. Uông Bí với lợi thế giao thông nằm giữa quốc lộ 18 nối Quảng Ninh – Hà Nội và quốc lộ 10 nối Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định… đã tạo điều kiện cho kinh tế vùng tăng tốc.