Cuối tháng 5/2021, Tập đoàn Masan (MSN) bất ngờ thông báo công ty thành viên là The Sherpa đã mua lại 20% vốn tại Phúc Long Heritage – chủ sở hữu thương hiệu Phúc Long. Thương vụ trên này giá trị 15 triệu USD, tương đương Masan định giá chủ chuỗi trà sữa Phúc Long vào khoảng 75 triệu USD (hơn 1.700 tỷ đồng).
Theo đó, Masan phát triển mô hình kios dựa trên thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VinCommerce và Phúc Long, tận dụng mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart/VinMart+ trên toàn quốc.
Sự kết hợp này được đánh giá là hợp tác win – win, trong khi Masan đang tiến sâu vào ngành bán lẻ thì Phúc Long cũng cần một động lực để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt giữa bối cảnh thị trường chuỗi ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Tính đến hiện tại, động thái này bước đầu mang lại hiệu quả kinh doanh cho Masan. Trong đó, 41 kios Phúc Long đã đi vào hoạt động và đang góp thêm 5 triệu đồng vào doanh thu VinMart/VinMart+, giúp cải thiện biên EBITDA của các cửa hàng này lên gần 4%. Theo kế hoạch, Masan sẽ triển khai shop-in-shop, dự kiến có hơn 1.000 kios Phúc Long tích hợp tại các điểm bán của Vincommerce vào cuối năm 2021.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mục tiêu mở 1.000 kiosk trong giai đoạn 1-2 năm tới với kỳ vọng doanh thu trung bình đạt 5 triệu đồng/ngày/kios và theo phương án chia sẻ doanh thu 20%, ước tính VinCommerce có thể nhận được khoảng 350 tỷ đồng doanh thu hàng năm từ việc hợp tác này.
Tương ứng, doanh thu của Vincommerce trong năm 2021 ước đạt 32.623 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện năm 2020.