25/12/2024

Với dư âm số liệu việc làm tích cực của Mỹ, sau khi không trụ vững trên 1.735USD/oz, giá vàng quốc tế đã đối mặt với áp lực bán tháo khi giảm mạnh xuống mức 1.680USD/oz đầu tuần này. Tuy nhiên sau đó, lực mua bắt đáy xuất hiện, đẩy giá vàng phục hồi mạnh mẽ và đóng cửa tuần ở mức 1.779USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn vẫn đang đóng cửa các cửa hành kinh doanh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng chống dịch COVID-19, nên khối lượng giao dịch rất thấp. Do đó, giá vàng theo niêm yết của DOJI cũng gần như chỉ đi ngang từ 57,7- 57,75 triệu đồng/lượng.

Sở dĩ giá vàng quốc tế đã có cú phục hồi mạnh mẽ sau khi chạm mức 1.680USD/oz là do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, đây là mức hỗ trợ kỹ thuật mà giá vàng đã 2 lần không thể phá vỡ trong thời gian qua (ngày 7/3 và ngày 28/3).

Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ chỉ tăng 0,5% sau khi tăng tới 0,9% trong tháng 6, đây là mức tăng CPI hàng tháng thấp nhất trong 15 tháng qua. Trong khi CPI cơ bản tháng 7 cũng chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái (CPI cơ bản tháng 6 tăng 4,5%). CPI sụt giảm mạnh, khiến các nhà đầu tư cho rằng lạm phát Mỹ tăng mạnh có thể chỉ là nhất thời như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) đã từng cảnh báo. Điều này có thể sẽ khiến FED tiếp tục trì hoãn thắt chặt chính sách tiền tệ, qua đó sức hấp dẫn của vàng đã gia tăng trở lại.

Thứ ba, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ theo khảo sát của Đại học Michigan bất ngờ sụt giảm xuống mức 70,2 điểm, thấp hơn nhiều mức dự kiến 80,2 điểm do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại ở Mỹ, khiến tiêu dùng lo ngại kinh tế nước này sẽ suy giảm trở lại, làm cho USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sụt giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Thứ tư, dù đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu vàng vật chất ở một số quốc gia đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích kim loại quý của Tập đoàn Gainesville Coins, cho biết nhu cầu vàng vật chất đang gia tăng trở lại ở Châu Á. Đặc biệt ở Ấn Độ, nhu cầu vàng trang sức, đồng tiền vàng bất ngờ đang tăng mạnh. Điều này góp phần hỗ trợ cho giá vàng phục hồi trở lại sau khi chạm đáy.

Thứ năm, vấn đề trần nợ công của Mỹ cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường tài chính toàn cầu. Còn nhớ vào năm 2019, Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã quyết định hoãn trần nợ công đến này 31/7 vừa qua. Theo đó, kể từ ngày 1/8 vừa qua, trần nợ công của Mỹ đã được ấn định ở mức 22.000 tỷ USD như trước đây, cộng thêm các khoản nợ lũy kế trong 2 năm hoãn trần nợ công (tính đến cuối tháng 7/2021, nợ công của Mỹ đã lên tới 28.427 tỷ USD). Điều này buộc Bộ Tài chính Mỹ phải tạm hoãn chi cho các quỹ hưu trí và các khoản phúc lợi xã hội khác.

Trước thực trạng trên, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi Quốc hội Mỹ nâng, hoặc tiếp tục tạm hoãn trần nợ công; nếu không, Chính phủ liên bang có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới, vì Bộ Tài chính Mỹ chỉ có thể trang trải kinh phí hoạt động cho chính phủ đến thời điểm đó. Đó là chưa kể Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ phải phát hành trái phiếu để trang trải kinh phí cho gói hỗ trợ phát triển hạ tầng 1.000 tỷ USD và gói an sinh xã hội 3.500 tỷ USD mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua.

Dù Quốc hội Mỹ sẽ không bao giờ để nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ, nhưng điều này luôn đẩy các nhà đầu tư vào thế phòng thủ rủi ro, nên họ thường tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng…

Trong tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng của tháng 7, như doanh số bán lẻ dự kiến giảm 0,3%; sản xuất công nghiệp; khởi công nhà mới; đơn xin trợ cấp hàng tuần… Ngoài ra, FED cũng công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Nhiều chuyên gia nhận định trong biên bản này, FED có thể chưa đưa ra mốc thời gian cụ thể để tiến hành thu hồi gói nới lỏng định lượng (QE) và tiến tới tăng lãi suất, vì kinh tế Mỹ có thể sẽ suy giảm trong quý 3 dưới tác động mạnh của biến thể Delta.