25/12/2024

2 giờ sáng ngày 1/5, Thomas Lauria rót một ly Jack Daniel’s dù ông vẫn đang đi làm. Là một thành viên ban lãnh đạo tại văn phòng ở Miami của công ty luật White & Case, Lauria đã mất 15 giờ trước đó để giám sát cuộc đấu giá đầy căng thẳng giữa 2 tập đoàn cổ phần tư nhân cho Hertz – công ty cho thuê ô tô đã phá sản.

Hàng chục chuyên gia tài chính, luật sư và nhân viên ngân hàng đã đến văn phòng White & Case. Đối với nhiều người, đây thậm chí còn là cuộc họp trực tiếp lần đầu tiên sau 14 tháng. Tại đó, Lauria yêu cầu mỗi nhóm đấu thầu đưa ra đề nghị “tốt nhất và cuối cùng” để tìm ra “người chiến thắng” và mọi người có thể nghỉ ngơi. Cuộc chiến đấu thầu này đã diễn ra trong 2 tháng trước đó, đẩy giá trị của Hertz lên gần 7 tỷ USD – con số gần như không tưởng ở 1 năm trước đó.

Sự thay đổi mạnh mẽ này diễn ra cùng thời điểm với những lĩnh vực lớn của nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục. Khi công ty cho thuê ô tô nộp đơn phá sản vào tháng 5/2020. Sau khi hoạt động kinh doanh và du lịch bị đình trệ, Hertz là “nạn nhân” lớn nhất chịu ảnh hưởng bởi đại dịch và thậm chí họ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn nữa.

Sự hồi sinh của Hertz “vẽ” lại định nghĩa phá sản trên Phố Wall

Tháng 6 năm ngoái, bằng một cách nào đó, Hertz đã trở thành một cổ phiếu meme, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhóm nhà đầu tư Reddit. Đến mùa xuân năm 2021, những ngày đầu kinh hoàng của đại dịch chỉ còn là mẩu ký ức mờ nhạt. Fed và Bộ Tài chính đã đưa ra những biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế Mỹ. Sau đó, tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng tại quốc gia này cũng thúc đẩy kỳ vọng đối với ngành du lịch và giúp các hãng hàng không huy động được hàng tỷ USD từ “tiền rẻ” của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

32 giờ sau khi cuộc đấu thầu tại White & Case bắt đầu, một nhóm được dẫn đầu bởi Knighthead Capital đã giành chiến thắng. Nhóm của Knighthead đã đồng ý với một thỏa thuận trị giá 6,9 tỷ USD cho Hertz.

Thông thường, những “con kền kền” sẽ cạnh tranh để giành lấy những đồ phế liệu trong một vụ phá sản. Nhưng thay vào đó, cuộc đấu thầu của Hertz lại xoay quanh một công ty từng sụp đổ và giá trị tăng cao theo từng phút. Theo Financial Times, đây là một phép ẩn dụ hoàn hảo cho một năm đảo lộn trên Phố Wall.

Cuối tháng 3/2020, khi tác động của đại dịch trở nên rõ ràng, Hertz phải đối mặt với những vấn đề sống còn. Đầu tiên, khi hoạt động du lịch bị đình trệ, doanh thu của họ đã tụt dốc không phanh. Riêng trong tháng 4, lợi nhuận giảm 73%. Nghiêm trọng hơn, đội xe gồm 500.000 chiếc của họ được mua thông qua các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV). Do ô tô được dùng làm tài sản thế chấp, nên đây là một hình thức đi vay tương đối rẻ.

Tuy nhiên, những bên cho vay đã đàm phán về những biện pháp để phòng hộ, trong đó, nếu ô tô đã qua sử dụng giảm giá, Hertz có nghĩa vụ rót vốn vào các SPV này. Carl Icahn – nhà đầu tư tỷ phú từng là ông chủ của Hertz, đã bán 38% cổ phần trước khi công ty phá sản, ghi nhận khoản lỗ gần 2 tỷ USD.