25/12/2024

Hướng tới chuẩn Basel III

Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, cuộc đua tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II vẫn diễn ra vô cùng sôi động trong năm qua. Đơn cử những ngày cuối năm, NHNN đã chấp thuận sửa đổi mức vốn điều lệ ghi trong giấy phép của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lên 12.087 tỷ đồng. Trước đó là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) với mức vốn điều lệ tương ứng là 10.960 tỷ đồng và 16.088 tỷ đồng.

Nhờ đó, danh sách các nhà băng được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày càng nối dài. Theo đó, đến nay đã có 18 ngân hàng được công nhận áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank , OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, LienVietPostBank, Standard Chartered Việt Nam, ShinhanBank, NamABank, SeABank, BIDV và Vietcombank.

Thậm chí trong số đó có 9 ngân hàng công bố đã đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II gồm: VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank, HDBank.  Việc hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II là nền tảng quản trị quan trọng để giúp các nhà băng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả; qua đó thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Không dừng lại ở đó, nhiều nhà băng còn đang hướng tới việc áp dụng Basel III. Ngân hàng đầu tiên triển khai mục tiêu này cũng chính là VIB. Theo đó, sau khi hoàn thành cả 3 trụ cột của Bseel II, VIB thí điểm áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro thanh khoản theo Basel III. Cụ thể VIB đã hoàn thiện nghiên cứu phương pháp tính toán tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio – NSFR) theo Basel III, đánh giá nguồn dữ liệu và thực hiện tính toán tỷ lệ này tại các thời điểm hiện tại và quá khứ. Ngân hàng cũng đưa chỉ số quản trị mới vào quản trị nguồn vốn nội bộ thông qua việc thiết lập hạn mức nội bộ và xây dựng cơ chế giám sát tuân thủ chặt chẽ…