25/12/2024

Mặc dù các công ty dược đang đạt được nhiều bước tiến trong hành trình đi tìm thuốc chữa cho căn bệnh đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, vẫn còn rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về tính hiệu quả của “làn sóng vaccine thứ nhất”, làm sao để phân phối chúng đến hơn 7 tỷ người và có bao nhiêu người sẵn sàng tiêm vaccine.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong mấy năm sắp tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào câu trả lời cho những câu hỏi trên, trong bối cảnh một làn sóng dịch bệnh mới đang tràn đến và tiếp tục cản trở các quốc gia quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Kể cả khi chúng ta thành công trong việc tạo ra miễn dịch, nền kinh tế cũng không thể ngay lập tức phục hồi, theo Chris Chapman, chuyên gia của quỹ đầu tư quy mô 660 tỷ USD Manulife Investment nhận định.

“Sẽ phải mất hơn 1 năm để thực sự quay trở lại mức trước dịch”, Chapman nói. “Sự phục hồi sẽ bị trì hoãn, nhưng vẫn có hi vọng rằng vào 1 thời điểm nào đó trong năm tới chúng ta sẽ có vaccine”.

Mấy chục năm trở lại đây, thế giới đã dựa vào các NHTW và Bộ trưởng Tài chính để vực dậy từ khủng hoảng. Về cơ bản là thế giới được giải cứu bằng cách bơm tiền. Tuy nhiên lần này lại khác. Giới đầu tư trông chờ vào các nhà khoa học và dữ liệu về các cuộc thử nghiệm vaccine cũng như phương pháp chữa trị để tìm kiếm hi vọng. Bên cạnh đó là các gói kích thích tài khóa từ các chính phủ.

Công cuộc tìm kiếm vaccine càng kéo dài thì đà hồi phục kinh tế càng yếu ớt. Trong ngắn hạn thế giới cũng đã đạt được một số đột phá. Kể cả khi chỉ có một bộ phận nhỏ dân số (gồm các nhân viên y tế và các tình nguyện viên) được miễn dịch, điều đó cũng có ý nghĩa lớn đối với việc khôi phục lại cuộc sống thường ngày. Số tiền mà các hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm được trong năm 2020 có thể bung ra trong năm 2021.

Theo Neil Ferguson, nhà dịch tễ học tại Imperial College London, có triển vọng đến cuối mùa xuân 2021 thế giới sẽ có vaccine với số lượng đủ lớn để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên ít nhất là từ giờ cho tới đó chúng ta vẫn phải giải bài toán cân bằng giữa tái mở cửa và kiểm soát dịch bệnh.

Hiện bức tranh về các phương pháp điều trị được cho là hiệu quả cũng mang nhiều sắc thái. Kết quả thử nghiệm thuốc remdesivir của Gilead Sciences cho thấy điều trị bằng thuốc kháng virus không cứu sống được bệnh nhân mặc dù đây là loại thuốc được kỳ vọng rất nhiều. Dẫu vậy tuần trước các nhà quản lý Mỹ vẫn phê duyệt sử dụng loại thuốc này trong điều trị Covid-19.

Hiện các thuốc steroid dexamethasone vẫn là một trong số ít phương pháp điều trị tỏ ra hiệu quả, tuy nhiên thường chỉ nên áp dụng với các bệnh nhân có triệu chứng rất nặng.

Kể cả khi có vaccine, bài toán khó trong khâu phân phối cũng đồng nghĩa các hoạt động đi lại, làm việc và giải trí vẫn sẽ bị gián đoạn bởi chỉ có 1 nhóm nhỏ dân số được tiêm vaccine. Do đó kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều rắc rối, dù dữ liệu Mỹ và eurozone công bố tuần trước cho thấy sự hồi phục khá mạnh trong quý III. Một đà hồi phục hình chữ V giờ đã là câu chuyện xa xôi trong bối cảnh mùa đông đang tràn đến Bắc bán cầu và virus có nguy cơ lây lan dễ dàng hơn.

Những vết sẹo đang dần thành hình trong lòng kinh tế thế giới. Việc làm biến mất, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, mức nợ lên cao kỷ lục, hoạt động đầu tư đóng băng, toàn cầu hóa bị đảo ngược, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, tinh thần bất ổn. Một nghiên cứu mới đây kết luận rằng trong dài hạn kinh tế Mỹ sẽ phải chịu đựng những “tác động tiêu cực kéo dài” nặng nề hơn nhiều so với các thiệt hại trong ngắn hạn, một phần bởi vì virus vẫn là 1 mối lo lớn khiến công chúng cảm thấy bất an.

“Đại dịch không tạo ra khủng hoảng tài chính ngay lập tức nhưng đang dần dần tạo ra 1 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn với những hệ lụy rất nghiêm trọng về mặt tài chính. Chúng ta có 1 con đường dài ở phía trước”, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank – Carmen Reinhart – nhận định.

Trong khi đó cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan cho rằng “virus đang tạo ra rất nhiều bất ổn, khiến các dự đoán đều phải thận trọng”.

Kể cả ở những nơi virus đã được kiểm soát, người tiêu dùng vẫn rất thận trọng. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ bắt đầu tăng tốc trong thời gian gần đây dù các lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ từ nhiều tháng trước.

Với không ít số ca tái nhiễm, nhiều khả năng Covid-19 sẽ giống như cúm mùa và cần phải tiêm chủng hàng năm mới có thể giảm nguy cơ nhiễm. Điều đó đồng nghĩa virus corona chủng mới sẽ ám ảnh kinh tế thế giới lâu hơn nữa, theo giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm Graham Medley.

“Nếu lần nhiễm thứ 2 và thứ 3 cũng có mức độ lây như lần đầu, và vaccine thế hệ đầu không thực sự hiệu quả, Covid-19 có thể đeo bám chúng ta đến tận năm 2022”, ông nói.

Tham khảo Bloomberg