24/12/2024

Ở độ tuổi 60, CEO Nguyễn Trung Dũng gây ấn tượng với hình ảnh người đàn ông trung niên luôn quàng chiếc khăn của đội Manchester United trên cổ, dù trời nắng hay mưa. Ông lý giải mình đam mê bóng đá, mê MU và vẫn duy trì thói quen đá bóng từ hồi còn học cấp 3 cho đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm đam mê bóng đá, ông còn có một niềm đam mê khác với các loại gia vị Việt Nam, và đó cũng là động lực thôi thúc ông khởi nghiệp ở tuổi 50.

Những lần khởi nghiệp nơi xứ người

Nguyễn Trung Dũng từng là du học sinh ngành IT tại Ba Lan. Tuy nhiên, năm 1989, thời thế khó khăn buộc ông phải bước chân vào con đường kinh doanh. Ban đầu ông mở một quán ăn Việt Nam quy mô nhỏ, sau đó nhập khẩu thêm mỳ ăn liền từ Việt Nam để bán cho dân bản địa.

“Họ chê món ăn trông như ‘giun’, mì mà lại sấy khô”, ông Dũng kể.

Tuy nhiên không nản lòng, ông kiên trì mang từng gói mì cùng bát đũa, bình nấu nước nóng thuyết phục từng cửa hàng với niềm tin “10 người cũng sẽ có một cái gật đầu”. Dần dần món mỳ ăn liền cũng được tiếp nhận và ông trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên bán mỳ tại Ba Lan. Thậm chí vào thời kỳ đầu những năm 90, ông từng thu về doanh số gần 10 triệu USD/năm nhờ việc bán mỳ.

Việc kinh doanh tiếp tục phát đạt cho đến giai đoạn châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính, khiến nhiều quốc gia trong đó có Ba Lan chịu ảnh hưởng. Khó khăn trong việc nhập khẩu mỳ từ Việt Nam buộc ông phải nghĩ đến chuyện tự xây dựng nhà máy sản xuất tại Ba Lan với dây chuyền công nghệ hiện đại thời bấy giờ.

Được khoảng 3 năm tiếp theo thì những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ba Lan một lần nữa khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó, đưa ông đến quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD.

Có trong tay nhiều tiền, ông Dũng tậu biệt thự, có bể bơi, sân tennis, bảo vệ túc trực 24/7… cùng quyết tâm khởi nghiệp lại với tinh thần “làm gì là phải đặc sắc ngay”.

Khởi nghiệp lần thứ ba, ông chọn mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn trong túi nhôm, học theo mô hình của Nhật Bản với nhà cung cấp từ Thái Lan. Sau nhiều lần tổ chức triển lãm, chào hàng, kinh doanh vài lô hàng đầu tiên, sức mua được đánh giá tốt, ổn định. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 đổ bộ khiến doanh nghiệp non trẻ của ông thất bại. Chưa kể cuộc hôn nhân với người vợ nước ngoài cùng lúc cũng tan vỡ, đẩy ông vào bờ vực sụp đổ.

Tình cờ năm 2009, trong một lần về Việt Nam, ông Dũng gặp lại người bạn mà ông có cảm tình từ thời học trò. Sau những lần nói chuyện qua mạng, hai người càng thấy hợp nhau và một ngày, bà đề nghị ông chuyển hẳn về Việt Nam với lý do cuộc đời còn rất ngắn, không nên lãng phí thời gian.

Vậy là đúng mùng Một Tết Canh Dần năm 2010, ông xách va li về nước với hai bàn tay trắng.

“Tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất khi về nước, là trở về với người phụ nữ mình yêu”.

Khởi nghiệp lần 4 ở độ tuổi 50

Ban đầu, ông Dũng không có ý định khởi nghiệp mà chỉ tìm kiếm một công việc bình thường để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, dù ở vị trí quản lý cấp cao thì khác biệt trong cách làm việc, điều hành với cổ đông chính khiến ông không thể tiếp tục làm thuê. Và ông quyết định quay lại với con đường khởi nghiệp, để được tự do kinh doanh theo cách của riêng mình.

Nhớ lại thời điểm còn ở Ba Lan, ông Dũng cho biết mình từng thèm quay quắt các món ăn, gia vị của Việt Nam. Tuy nhiên ông không thể tìm thấy trên kệ hàng của siêu thị Ba Lan các loại gia vị đặc sản Việt Nam mà chỉ toàn hàng Thái Lan, Nhật Bản. Muốn thưởng thức gia vị nước nhà, ông phải đi hàng trăm km đến khu vực cộng đồng người Việt mới mua được.

Sau này trở về nước, trong các chuyến công tác, ông nhận thấy mỗi vùng đất quê hương, từ Hà Giang đến Cà Mau, đều có những gia vị đặc sản với nét đặc trưng riêng nhưng hình thức kinh doanh chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ. Còn với sản phẩm trên thị trường, dù kinh doanh bài bản, nhưng lại dùng chất bảo quản và hương liệu, làm mất vị ngon tự nhiên của món ăn.