Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, từ năm 2016 – 2020, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ, từ các Tổng công ty quốc doanh dẫn đầu ngành thì nay những doanh nghiệp tư nhân với tiềm lực kinh tế lớn đã chiếm ưu thế trong mảnh công trình xây dựng dân dụng. Cùng với đó, ngành Xây dựng đã vươn lên tầm khu vực, xây dựng những tòa nhà “chọc trời”, nằm trong top 10 công trình cao nhất thế giới mà không xảy ra bất kỳ tai nạn nào.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết, một tình trạng đáng báo động là nợ đọng trong xây dựng cơ bản từ năm này sang năm khác vẫn diễn ra. Thời gian nợ dài ngắn khác nhau nhưng cũng có nhiều khoản kéo dài 10 – 12 năm. Không ít dự án thi công hoàn thiện, đưa vào sử dụng hết thời gian bảo hành chưa được thanh toán nợ.
“Thế nhưng tới nay vẫn chưa có phương án khắc phục, không có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý, lấy lại công bằng cho doanh nghiệp nhà thầu. Dù doanh nghiệp gửi đơn cầu cứu nhưng Thanh tra Chính phủ cũng im lặng không trả lời; Công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không đi đến hồi kết. Vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản không được khắc phục chính là sự bất bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư” – ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, việc công ty xây dựng ký kết với chủ đầu tư để làm nhà thầu trong dự án bất động sản, nhưng sau khi hoàn thành công việc, phía chủ đầu tư chây ì không tất toán khiến các doanh nghiệp nhà thầu lớn, nhỏ đều rơi vào cảnh lao đao.
Đơn cử như trường hợp của Tổng Thầu EPC, đơn vị này nhận nhiệm vụ thi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), dự án được khởi công trước Đại hội 11, thế nhưng đến nay trải qua 05 năm khánh thành, bàn giao cho chủ đầu tư, Tổng thầu này vẫn chưa được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính.