Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo “Tác động phân phối của chính sách tài khóa ứng phó COVID-19 đến các hộ gia đình, đặc biệt là ở thành phố Đà Nẵng”. Trong đó, World Bank đã tiến hành so sánh chính sách ứng phó của Việt Nam với các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, trợ giúp xã hội của Việt Nam được mở rộng nhằm ứng phó với dịch COVID-19, theo hướng ban hành chương trình mới và/hoặc mở rộng như tại hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Hơn nữa, Việt Nam mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng ít hơn so với các quốc gia khác ở Đông Á. Báo cáo chỉ ra rằng, trước khi đại dịch bùng phát tỷ lệ người dân nhận trợ giúp xã hội của Việt Nam ở mức 16%, đứng thứ 5 từ dưới lên.Mức này thấp hơn nhiều so với 64% ở Malaysia, 71% ở Thái Lan.
Tại Việt Nam, tất cả các đối tượng thụ hưởng hiện hành đều được nhận hỗ trợ tăng thêm. Tỷ lệ người dân được bổ sung vào nhóm đối tượng thụ hưởng mới cũng thấp, chỉ ở mức 11%. So với các nước trong khu vực Đông Á có bổ sung đối tượng thụ hưởng mới, Việt Nam đứng thứ ba từ dưới lên.
Vì vậy, tổng số đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 chiếm 28% dân số, đứng thứ ba từ dưới lên trong khu vực, chỉ cao hơn Trung Quốc và Campuchia.