23/12/2024

Cấp tập phát hành trong quý IV

Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong một số trường hợp, được cho sẽ tác động mạnh đến khả năng huy động trên kênh phát hành nợ của doanh nghiệp, đặc biệt khối bất động sản.

Các trường hợp cụ thể theo quy định các NHTM không được mua TPDN gồm: Trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của chính DN phát hành; Trái phiếu DN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác; Trái phiếu DN phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động. Giới chuyên môn cho rằng NHNN đã đặt các “lằn ranh đỏ” để chặn các ngân hàng tài trợ, đầu tư vốn các khu vực tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp tất yếu sẽ phải tìm “cửa” khác để bù đắp hụt vốn.

“Đi trước” thời điểm hiệu lực của Thông tư kể từ ngày 15/1/2022, nhiều doanh nghiệp đã và đang ráo riết có các kế hoạch phát hành trái phiếu ngay trong thời gian còn lại của năm. Thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết trong 3 tuần đầu tháng 11, đã có hơn 20 đợt phát hành trái phiếu với giá trị huy động hơn 10.000 tỷ đồng diễn ra. Con số này chắc chắn sẽ tăng vọt trong thời gian ngắn tới để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn quý cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại guồng khởi động các dự án hậu giãn cách xã hội và sẵn sàng cho cả kế hoạch của quý 1 năm sau.

Trong khi đó, mặc dù quý cuối năm luôn là mùa cao điểm của tăng trưởng tín dụng và NHNN cũng đã sẵn sàng cho điều này thông qua việc điều chỉnh cho phép nới tăng room dư nợ cho vay với mức “kịch kim” 25% ở nhiều TCTD mới đây; thực tế do các NHTM không thể hạ chuẩn cho vay, việc tiếp cận tín dụng vẫn sẽ không hoàn toàn rộng cửa với những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện thẩm định vay vốn.

Các “cửa” bù đắp hụt vốn

Theo đó, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính cho rằng ngoài chuyện đẩy mạnh huy động trong thời gian còn lại trước khi Thông tư ban hành, sẽ có một số định hướng để các doanh nghiệp quan tâm hướng đến huy động vốn nay mai.

Cho đến nay, Vingroup là trường hợp doanh nghiệp hiếm của Việt Nam phát hành được trái phiếu gọi vốn tỷ đô trên thị trường quốc tế. Năm 2021, Vingroup đã đạt được cột mốc quan trọng là phát hành trái phiếu bền vững kèm quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới (Ảnh: Vinpearl)

Căn cứ trên cơ cấu tổ chức phát hành TPDN thời gian qua thể hiện – chiếm tỷ trong cao vẫn là khối bất động sản, sau đó là chính các NHTM, kế tiếp là các doanh nghiệp hàng hóa, tiêu dùng; đến nhóm năng lượng, khai khoáng, rồi mới đến các nhóm ngành khác như tài chính, xây dựng – ông Hoàn cho rằng sẽ có một số lượng doanh nghiệp quay trở lại kênh tín dụng ngân hàng khi họ đáp ứng được điều kiện vay.

Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa nhất định, chẳng hạn như khối bất động sản ngoài chuyện đảm bảo điều kiện để được vay, muốn vay cũng sẽ phải chờ các ngân hàng xem xét cân đối trong việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Bởi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vay vốn cho các dự án có tính trung, dài hạn, không vay vốn hạn mức nhỏ theo hướng nhằm bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn”.

Nếu các ngân hàng không được NHNN xem xét lùi thời hạn áp dụng quy định đối với việc hạ thấp tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (theo quy định các NH sẽ phải áp dụng tỷ lệ 40% xuống còn 37% từ ngày 1/10/2021 và được biết NHNN đang cân nhắc xem xét để hoãn áp dụng nhằm gỡ khó cho các NH trong cân đối huy động – cho vay do đại dịch Covid-19), thì các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ khó tiếp cận được tín dụng để bù đắp cho việc hụt vốn ở kênh TPDN”, ông Hoàn nói thêm.

Với khối doanh nghiệp hàng hóa tiêu dùng, đây là nhóm đang được đánh giá cao trên thị trường và vốn đầu tư tư nhân vẫn luôn tìm kiếm cơ hội đổ vào nhóm này. Đây cũng là khu vực mà các thương vụ M&A diễn ra mạnh mẽ thời gian qua, do đó nếu có bị hạn chế, sẽ hạn chế ở phần ngân hàng không được mua TPDN của đơn vị phát hành nhằm mục đích góp vốn, mua cổ phần thâu tóm doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, nhóm có tỷ lệ phát hành TPDN khá tích cực trong 2 năm trở lại đây là năng lượng, lại có thuận lợi nhất khi hiện tín dụng xanh đang được NHNN có chủ trương thúc đẩy và nhiều TCTD cũng đã “dự phòng” những bản hợp tác thỏa thuận tài trợ vốn xanh với các định chế nước ngoài cho các dự án chuẩn ESG, năng lượng tái tạo… Theo đó, chuyên gia cho rằng đây là nhóm hứa hẹn có được nguồn tín dụng chi phí thấp thời gian tới, với điều kiện là doanh nghiệp có định mức tín nhiệm cao và rủi ro dự án giảm thiểu.

Một kênh phổ biến hứa hẹn bù đắp khoảng hụt từ kênh trái phiếu, do thị trường chứng khoán đang vô cùng sôi động, là phát hành cổ phiếu tài trợ dự án, tăng vốn điều lệ, góp vốn mua cổ phiếu, dự án của doanh nghiệp khác…. theo chuyên gia, cũng sẽ được doanh nghiệp ồ ạt tận dụng thời gian tới.

Theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia Tài chính, ở trường hợp các NH không được mua trái phiếu phát hành để cơ cấu nợ, tức trả nợ cũ, thực tế rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn 5-10 năm, nhưng trái chủ được quyền bán lại cho doanh nghiệp phát hành sau 1 năm, thực chất là trái phiếu ngắn hạn. Vì thế một lượng lớn trái phiếu phát hành mới là để mua lại (đảo nợ) trái phiếu cũ.

Với quan điểm đó, xem xét rằng trong thời gian vừa qua, nhiều tên tuổi bất động sản lớn cũng đã ồ ạt phát hành trái phiếu để huy động tiền gom mua đất. Vậy “điểm rơi” của thời gian doanh nghiệp có thể phải thực thi cam kết mua lại một phần trái phiếu đã phát hành sẽ rơi vào thời gian tới. Do đó, khi không được phát hành TPDN cho người mua chính trên thị trường là ngân hàng ở trường hợp này, cũng có khả năng sẽ có một lượng lớn cổ phiếu được doanh nghiệp chọn “bán giấy lấy tiền” đẩy ra thị trường.

Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng việc doanh nghiệp huy động vốn trả nợ vay (hoặc mua lại nợ trái chủ) đều có thể khiến EPS pha loãng, cổ đông nhỏ thiệt; song vấn đề lớn hơn là cơ cấu nợ của doanh nghiệp sẽ có dịch chuyển theo hướng tăng nợ dài hạn, “nợ nối nợ”. Nếu doanh nghiệp có triển vọng làm ăn tốt, trả được nợ thì không vấn đề, nhưng rất khó để chắc chắn về triển vọng kinh doanh, thì đây sẽ là trường hợp tăng rủi ro kép.

Chuyên gia cũng lưu ý với “lằn ranh đỏ” NHNN đặt ra, có khả năng nhiều doanh nghiệp lớn, có tài sản lớn, đặc biệt nhóm có quỹ đất, dự án quy mô, có uy tín thương hiệu, sẽ tính toán xem xét các phương án phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp uy tín và có nền tảng như Vingroup, với kiến thiết các sản phẩm tài chính đặc biệt như trái phiếu bền vững có quyền chọn (sản phẩm mà Vingroup đã phát hành gọi vốn thành công năm 2021), thì sau trường hợp “bom nợ” Evergrande China, việc phát hành trái phiếu quốc tế sẽ chỉ “còn cửa” với những doanh nghiệp đã được nhà đầu tư quan tâm đánh giá và có các nhóm thu xếp vốn là những định chế lớn hậu thuẫn; còn lại đây không chỉ cửa hẹp với doanh nghiệp chỉ có quy mô vừa và nhỏ mà ngay cả với khối bất động sản, nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ có sự thận trọng nhất định.