23/12/2024

Năm 2018, tỷ phú Brian Acton, đồng sáng lập của ứng dụng WhatsApp đã có những động thái hết sức quyết liệt. Bất mãn với những chính sách của Facebook kể từ khi gã khổng lồ này mua lại WhatsApp, tháng 3/2018, vài tháng sau khi rời khỏi Facebook, Brian Acton đã thể hiện rõ thái độ với công ty cũ bằng dòng tweet giận dữ: “Đã đến lúc xóa Facebook”. Động thái này xảy ra đúng thời điểm Facebook đang phải đối mặt với scandal về việc chia sẻ dữ liệu người dùng cũng như các vấn đề liên quan đến phát tán thông tin sai lệch.

Gần như cùng lúc, Acton đầu tư 50 triệu USD vào tổ chức phi lợi nhuận mới là Signal Foundation và giữ vai trò chủ tịch. Mục tiêu của tổ chức này là tài trợ cho ứng dụng Signal, cho phép người dùng gửi tin nhắn mã hóa đầu cuối.

Signal cung cấp cho người dùng phương thức giao tiếp dễ dàng, an toàn, ẩn danh hoàn toàn. Với nguồn vốn từ Signal Foundation, ứng dụng không cần lo lắng về kinh doanh quảng cáo – điều Acton không ưa ở Facebook. Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes hồi năm 2018, tỷ phú Acton cho hay Signal sẽ giúp “các giao tiếp riêng tư trở nên phổ biến và dễ dàng truy cập”. Điều này đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của ông. Nhờ công cụ giao tiếp riêng tư, Signal trở thành ứng dụng phổ biến cho các nhà báo và nhà hoạt động, trong đó có những người lên kế hoạch cho cuộc biểu tình Black Lives Matter.

Nhưng, trớ trêu thay, ứng dụng này lại đang dần trở thành thiên đường kỹ thuật số cho người bảo thủ – giống như Facebook trước đây. Người dùng cánh hữu bị thu hút bởi khả năng lập kế hoạch và giao tiếp hàng loạt mà không bị kiểm duyệt của Signal. Signal mã hóa tin nhắn nên không có quyền truy cập nội dung của người dùng. Về lý thuyết, điều này có nghĩa việc hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát là không thể.

“Việc sử dụng ứng dụng Signal và Telegram vô cùng nguy hiểm. Vào thời điểm này, dường như hai ứng dụng này đang chào đón những người dùng với tâm lý thù hận, vốn bị cấm hoặc không được chào đón trên các nền tảng ứng dụng khác,” Harry Fernandez, Giám đốc của Change the Terms – tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các ngôn từ thù hận trên mạng – cho hay. “Một điều nguy hiểm khác là họ dường như không có nền tảng hạ tầng nào để khống chế các nền tảng này.” Khả năng mã hóa khiến việc tìm hiểu chính xác những nội dung được bàn bạc trên các nền tảng này vô cùng khó khăn.

Làn sóng đổ bộ sang Signal đang diễn ra rầm rộ, khi nhiều người cảm thấy bị tấn công trực tuyến. Facebook và Twitter đã khóa tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông sử dụng những mạng xã hội này để kích động bạo động ngày 6/1, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn những thông tin sai lệch của nhóm người dùng cánh hữu. Parler, một ứng dụng truyền thông xã hội bảo thủ khá phổ biến, cũng bị Amazon đóng cửa cuối tuần qua vì cũng là nơi để người dùng lên kế hoạch bạo loạn tại Đồi Capitol. Trước sự hỗn loạn đó, Signal và Telegram – hai ứng dụng tin nhắn mã hóa – nổi lên như giải pháp thay thế mới.