27/12/2024

Hàng triệu người đã chuyển khỏi thành phố New York trong năm nay, khi đại dịch Covid-19 hoành hành mạnh ở Mỹ. Cùng với đó, hàng triệu người khác với thu nhập thấp hơn đã chuyển tới thành phố này – hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu công bố ngày 15/12 cho hay.

Báo cáo từ công ty phân tích Uncast nói rằng lấy số người chuyển đi trừ số người chuyển đến, thì lượng di cư ròng khỏi New York năm nay là 70.000 người.

Theo báo cáo, từ ngày 11/1-7/12, có khoảng 3,57 triệu người di cư khỏi New York và 3,5 triệu người khác có thu nhập bình quân thấp hơn chuyển tới thành phố này. Thay đổi này đồng nghĩa với khoản thiệt hại thu nhập 34 tỷ USD đối với New York.

“Lượng di cư ròng không lớn như người ta vẫn nói. Ảnh hưởng lớn hơn là sự thay đổi trong cấu trúc dân số”, ông Thomas Walle, Giám đốc điều hành (CEO) của Uncast, phát biểu.

Ở Tribeca, một khu nhà giàu thuộc trung tâm quận tài chính Manhattan của New York, chuyển đi trong năm nay là những người có thu nhập bình quân 140.000 USD/năm, ông Walle cho hay. Trong khi đó, những người chuyển tới khu này có thu nhập bình quân khoảng 82.000 USD/năm.

Theo ông Welle, dân số giảm cộng thêm thu nhập giảm sẽ có hệ quả lâu dài đối với New York trong quá trình hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế mà Covid-19 gây ra. “Câu hỏi ở đây là ngành bất động sản và bán lẻ của New York có thích nghi được hay không?” ông nói.

Trong dài hạn, sự thay đổi cấu trúc dân số của New York có thể dẫn tới việc những thương hiệu giá rẻ hơn chiếm lĩnh vị trí của các cửa hiện cao cấp, báo cáo của Uncast nhấn mạnh. Ngoài ra, các công ty phát triển bất động sản có thể sẽ phải đưa ra thêm những sản phẩm có mức giá “mềm” hơn.

Một báo cáo khác của StreetEasy cho biết tỷ lệ nhà trống gia tăng và giá thuê nhà giảm xuống trong thời gian từ tháng 2-7 năm nay tại những khu vực đắt đỏ nhất New York, bao gồm trung tâm Manhattan. Trong khi đó, giá thuê nhà lại có chiều hướng tăng tại những khu dân cư có giá phải chăng hơn.

Xu hướng di cư tại các đô thị đắt đỏ ở Mỹ trong đại dịch Covid-19 cũng đã được đề cập trong cuốn sách mang tên Signals (tạm dịch: Những tín hiệu) vừa được xuất bản. Trong cuốn sách này, tác giả Jeff Dasjardin -Tổng biên tập trang tin Visual Capitalist – đã điểm lại 27 xu hướng vĩ mô đang thay đổi bộ mặt nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu trong đại dịch, bao gồm môi trường làm việc trở nên linh hoạt.

Theo cuốn sách, cho tới năm 2019, hơn một nửa số công ty trên thế giới không có chính sách nơi làm việc linh hoạt hay làm việc từ xa. Covid-19 đã khiến nhiều công ty phải nghĩ lại về chính sách này. Đại dịch đã mở ra một “cuộc thử nghiệm” quy mô lớn về làm việc từ xa, mang đến một thay đổi chưa từng có tiền lệ trong đời sống công sở, và có khả năng sẽ định hình lại toàn bộ “nền kinh tế công sở”.

Ảnh hưởng của xu hướng này đã được cảm nhận rõ rệt, thể hiện qua lượng vốn đầu tư vào bất động sản thương mại toàn cầu trong quý 3/2020 giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dấu hiệu cho sự tăng tốc của xu hướng này là làn sóng di cư khỏi các khu vực đô thị đắt đỏ, khi ngày càng có nhiều người tin rằng họ có thể làm việc từ xa tại một địa điểm có giá nhà và chi phí sinh hoạt rẻ hơn.