26/12/2024

Xác định rõ xu thế của thế giới hậu COVID-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư trong năm 2022.

Ghi nhận, một trong những nội dung rất quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chia sẻ về nội dung này, Bộ trưởng nhận định, trên thế giới hiện nay bên cạnh các mô hình như kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp thì kinh tế tuần hoàn được coi là chìa khóa để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo. Bài học thành công tại các nước tiên tiến trên thế giới là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam đã hoàn thiện thể chế với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, giải pháp mạnh mẽ nhất để phát triển kinh tế tuần hoàn là quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường… Song song, quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

“Đây là những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam, hoà cùng xu thế chung của nhân loại, xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải”, Bộ trưởng cho biết.

Trên thực tế, để đưa ra cam kết trên, ngay trước thời điểm chính thức tham dự COP26, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó có việc đưa vấn đề ứng phó với BĐKH, các cam kết của Việt Nam thực hiện Thoả thuận Paris vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH đáp ứng yêu cầu minh bạch…

Trước hết, là quốc gia chịu tác động của BĐKH, chúng ta có lợi ích rất lớn từ cam kết giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C giảm nhẹ thiệt hại đối với các đồng bằng ven biển; phát huy được tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ hai là chúng ta có thể tiếp cận được với sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư toàn cầu, cũng như đáp ứng được sự thay đổi về “luật chơi” mới về thương mại, kinh tế toàn cầu, qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với BĐKH, đặc biệt là các dòng tín dụng, đầu tư cho hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển đổi năng lượng.

Bộ TN&MT cũng đã rất khẩn trương triển khai thực hiện cam kết với việc trình Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và xây dựng đề án để triển khai thỏa thuận.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, năm 2021 đánh dấu bước chuyển biến với hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, các chỉ tiêu về môi trường hoàn thành vượt mục tiêu. Bài toán về rác thải đã có lời giải với các dự án đã, đang triển khai sẽ xử lý 30% rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt rác phát điện đạt 157 MW. Kinh tế tuần hoàn bước đầu đã được phát triển công nghiệp tái chế, xử lý rác thải, nước thải tăng 3%.