Theo số liệu mới được công bố, nạn phá rừng ở Amazon của Brazil đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm. Điều này đặt ra câu hỏi mới về cam kết của Brasília trong việc chấm dứt tàn phá rừng Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia, hơn 13.200 km2 rừng nhiệt đới đã bị san phẳng trong 12 tháng, từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, tăng 22% so với năm trước đó. Tỷ lệ phá rừng được ghi nhận là cao nhất trong 15 năm, kể từ năm 2006.
Trong 3 năm qua, Brazil mất hơn 30.000 km2 cây che phủ trong rừng nhiệt đới. Khu vực này có diện tích tương đương với nước Bỉ. Cây rừng bị đốn hạ bởi những kẻ khai thác gỗ trái phép, chủ trang trại gia súc, người khai thác vàng và những kẻ lấn chiếm đất.
Số liệu nghiêm trọng này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Brazil nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow. Brazil cam kết xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào cuối thập kỷ này, hoặc có thể sớm hơn.
Những cam kết trên đã vấp phải sự hoài nghi từ các nhà vận động môi trường. Họ cho rằng chính Tổng thống Jair Bolsonaro tạo cơ hội cho những kẻ phá rừng.
Marcio Astrini, thư ký điều hành của Đài quan sát khí hậu Brazil, cho biết dữ liệu được công bố hôm 18/11 phản ánh “kết quả của một nỗ lực bền bỉ, có kế hoạch và liên tục” của chính quyền Bolsonaro nhằm xóa bỏ các chính sách bảo vệ môi trường của quốc gia.
Ông nói: “Không giống như những lời tuyên truyền mà chính phủ và các đồng minh đưa ra tại COP26 ở Glasgow, đây mới thực sự là Brazil, từ mặt đất bị thiêu rụi cho đến tội phạm có tổ chức ngoài tầm kiểm soát ở Amazon.
Joaquin Leite, Bộ trưởng Môi trường Brazil, cho biết dữ liệu này không phản ánh những nỗ lực gần đây của chính phủ trong việc chống nạn phá rừng. Ông cho biết chính phủ đã thuê thêm 700 đặc vụ thực thi môi trường và phân bổ kinh phí lớn hơn cho các cơ quan bảo vệ môi trường của đất nước.
Vấn nạn phá rừng có khả năng ngày càng đè nặng lên các mối quan hệ quốc tế của Brazil, đặc biệt là với các quốc gia châu Âu.
Đầu tuần, Virginijus Sinkevicius, ủy viên EU về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp, nói với Financial Times rằng Brussels đã tìm cách cấm nhập khẩu các loại thực phẩm như thịt bò và đậu nành, được nuôi trồng từ các khu vực có nguy cơ phá rừng.
Một dự thảo luật đang được EU xem xét, nếu được thông qua, các công ty sẽ buộc phải chứng minh nguồn gốc các sản phẩm mà họ bán vào thị trường chung của EU không bao gồm việc phá rừng hợp pháp, bất hợp pháp hoặc suy thoái rừng thông qua việc sử dụng đất nông nghiệp.
Amazon là khu rừng nhiệt đới rộng lớn trải dài qua 9 quốc gia Mỹ Latinh. Khu rừng nhiệt đới có khoảng 390 tỷ cây xanh và đóng vai trò như một “bể hấp thụ carbon” khổng lồ cho lượng khí thải từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Financial Times