30/12/2024

Kể cả trước khi Cục dự trữ liên bang (Fed) chính thức có thông báo chi tiết về lộ trình giảm quy mô chương trình mua tài sản, có 1 thước đo trên thị trường tài chính Mỹ đang gióng lên hồi chuông báo động.

Thường được biết đến với tên gọi hệ số Marshallian K., đây được coi là thước đo mức độ thanh khoản trên thị trường tài chính Mỹ, được tính bằng cách khoảng cách giữa tăng trưởng cung tiền M2 và tăng trưởng GDP danh nghĩa. Hệ số này vừa chuyển sang mức âm lần đầu tiên kể từ năm 2018, có nghĩa là GDP đang tăng trưởng nhanh hơn cung tiền.

Nguyên nhân là do nền kinh tế tăng trưởng quá nóng đang khiến nguồn cung tiền của nước Mỹ cạn đi. Sự thiếu hụt có thể trở thành 1 vấn đề nghiêm trọng đối với thị trường tài chính khi mà thanh khoản dồi dào là trụ cột chính giúp giá mọi loại tài sản từ Bitcoin cho đến cổ phiếu meme tăng vọt trong thời gian vừa qua.

“Nói cách khác, nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ đang dùng chung bình sữa mà thị trường chứng khoán từng có cho riêng mình”, Dough Ramsey, giám đốc đầu tư của Leuthold Group ví von trong 1 báo cáo gửi nhà đầu tư tháng trước.

Mối đe dọa lớn đến đâu? Nhìn vào lịch sử, mặc dù thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng khi hệ số Marshallian K âm trong những năm 1990, xu hướng kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay là rất đáng chú ý. Đó cũng là thời kỳ mà Ramsey miêu tả là các NHTW luôn ở trong trạng thái đối phó với khủng hoảng.

Năm 2010, hệ số Marshallian K giảm xuống dưới 0 và năm đó chỉ số S&P 500 điều chỉnh sâu, giảm tổng cộng 16%. Tương tự, năm 2018, hệ số Marshallian K âm báo hiệu cơn bán tháo gần như đã “giết chết thị trường con bò”.