30/12/2024

Trong báo cáo phân tích mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, VietinBank (mã CTG) tăng dư nợ tín dụng khoảng 3% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động nhỉnh hơn. Đây là một kết quả tích cực so với việc không tăng trưởng dư nợ tín dụng trong quý I/2021. Việc biên lãi thuần NIM mở rộng được dự báo sẽ tiếp tục là chất xúc tác cho lợi nhuận 

VDSC kỳ vọng xu hướng giảm của lợi suất bình quân tiền gửi có kỳ hạn sẽ yếu đi sau khi hiệu ứng tái cơ cấu danh mục kết thúc và chuyển sang đi ngang trong những tháng tới. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân dự kiến không biến động nhiều. Do vậy, biên lãi thuần NIM dồn 12 tháng sẽ duy trì xu hướng tăng kể từ quý III/2020.

Kết hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, dự báo thu nhập lãi thuần của VietinBank sẽ đạt 10.258 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chi phí lãi vay giảm mạnh (giảm 17%). Tổng thu nhập hoạt động (cả mảng tín dụng và phi tín dụng) được dự báo đạt 13.168 tỷ đồng, tăng trưởng 32%. Lợi nhuận hoạt động trước dự phòng được dự đoán cũng sẽ tăng trưởng 32%.

VietinBank đang kỳ vọng việc chuyển nhóm lên các nhóm nợ cao hơn của các khoản nợ xấu sẽ diễn ra tương tự so với quý I, giúp tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng và giảm áp lực chi phí tín dụng.

Theo đó, VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của VietinBank ở mức 6.265 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong trường hợp thương vụ M&A giữa Manulife và Aviva Việt Nam được chấp thuận bởi Bộ Tài chính trong tháng 6 như ngân hàng kì vọng, VDSC cho biết VietinBank sẽ có khả năng ghi nhận khoản phí trả trước giúp thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận lên mức rất cao. Hiện tại, VietinBank vẫn kì vọng nhận được phê duyệt trễ nhất là đầu quý II. Hiện VietinBank vẫn đang phân phối sản phẩm bảo hiểm của Aviva.

Đáng chú ý, VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Vietinbank được nâng lên 24.802 tỷ đồng (tăng 45% so với năm ngoái) do chi phí huy động vốn được cải thiện tốt hơn dự kiến, chủ yếu là do tiền gửi có kỳ hạn bình quân giảm và áp lực chi phí tín dụng thấp nhờ diễn biến chuyển nhóm tích cực của nợ xấu là trợ lực cho ngân hàng.

Mặc dù triển vọng trong ngắn hạn là khá tích cực nhưng về dài hạn, VDSC cho rằng VietinBank còn có những khó khăn. Trong đó, ước tính rằng dư địa hạn chế trong việc cải thiện tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (hệ số LDR) đang gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng của VietinBank trong bối cảnh cơ sở huy động mở rộng tương đối chậm và mức trần tỉ lệ LDR sắp được áp vào cuối năm 2021.

VDSC cũng điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận VietinBank giai đoạn 2022-2024 từ 18% giảm xuống 14%. Nguyên nhân là sự cải thiện nhanh chóng của NIM cũng dẫn đến nền so sánh cao hơn cho giai đoạn 2022-2024 và theo đó, làm giảm CAGR của thu nhập lãi thuần khi tốc độ mở rộng bảng cân đối cũng được điều chỉnh giảm do triển vọng tăng vốn không chắc chắn.

VietinBank đã được phép tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên VDSC lưu ý phương pháp tăng vốn này chỉ làm tăng vốn điều lệ mà không làm tăng vốn chủ sở hữu nên không tác động đáng kể đến hệ số an toàn vốn.