Theo đó tại thời điểm 8 giờ 36 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,5 – 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 250 nghìn đồng/ lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên hôm qua, ở mức 56,6 – 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 56,8 – 57,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch 9/9 trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế tại Afghanistan. Tuy vậy, biên độ tăng của giá vàng bị hạn chế bởi những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thu hẹp các gói kích thích kinh tế, giữa bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang giảm tốc chương trình mua trái phiếu của mình.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.797,41 USD/ounce. Bên cạnh đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,4% lên 1.800 USD/ounce.
Nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro gần đây có tăng lên, do biến chủng Delta của COVID-19 phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, giá kim loại quý đang chịu áp lực nhiều hơn từ sự hồi phục của đồng USD và xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.
Một báo cáo của ngân hàng Pháp Societe Generale tỏ quan điểm bi quan về giá vàng.
“Giá vàng năm nay đuối sức cho dù lãi suất ở mức thấp và lạm phát tăng cao. Điều này báo hiệu không tốt về triển vọng giá vàng. Chúng tôi dự báo giá vàng trong năm 2022 bình quân ở mức 1.750 USD/ounce và dòng vốn đầu tư chảy vào vàng sẽ tiếp tục giảm”, báo cáo viết.