27/12/2024

Theo Quy hoạch Phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km, với quy mô 4 làn xe. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần của cao tốc Dầu Giây – Liên Khương theo các đoạn: Dầu Giây – Tân Phú (60km), Tân Phú – Bảo Lộc (66km), Bảo Lộc – Liên Khương (73km), đề xuất sử dụng một phần vốn hỗ trợ của Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài khoảng 60km, điểm đầu giao với QL1 thuộc xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với QL20 thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, vận tốc khai thác 80km/giờ. Tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay là 6.619 tỷ đồng. Ngày 12/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc này.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 66km, điểm đầu giao với QL20, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I (2021-2025) đầu tư theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m với vận tốc thiết kế 80km/h và triển khai theo phương thức PPP (đối tác công tư). Tổng mức đầu tư giai đoạn I khoảng 16.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương sẽ góp 4.500 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.