Tính tới 9h ngày 12/6 theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures tăng 252 điểm, tương đương 1%. S&P và Nasdaq Futures lần lượt tăng 0,8 và 0,7%. S&P 500 VIX futures, chỉ số được dùng để đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, giảm 3,1 điểm tương đương 7,73%.
Trong phiên giao dịch ngày 11/6, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận mức giảm tồi tệ chưa từng có kể từ tháng 3, thời điểm đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu và tác động nên các nền kinh tế phương Tây. Cú sập cũng khiến chứng khoán Mỹ có một tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 20/3 khi tất cả các chỉ số đều giảm ít nhất 12%.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 1.861,82 điểm, tương đương 6,9%, đóng cửa ở mức 25.128,17 điểm. S&P 500 giảm 5,9% xuống còn 3,002.10 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 5,3% và kết thúc ngày ở 9.492,73 điểm.
Nguyên nhân dẫn tới cú sập của chứng khoán Mỹ sau thời gian dài hứng khởi là việc làn sóng Covid-19 thứ 2 đang có dấu hiệu bùng lên ở Mỹ. Dữ liệu mà Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy số ca mắc tăng vọt ở các bang như Arizona, South Carolina và Texas trong bối cảnh những nơi này đang tái mở cửa nền kinh tế.
Nước Mỹ đã phải rất khó khăn nhằm mở cửa nền kinh tế trở lại. Đó cũng chính là lý do khiến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng nước Mỹ không thể đóng cửa một lần nữa. Dẫu vậy, hơn 2 triệu người mắc và gần 110.000 người tử vong là lời nhắc nhở không hề nhẹ nhàng cho người Mỹ.
Trong những tuần qua, cổ phiếu Mỹ liên tiếp tăng điểm khi các nhà đầu tư đặt cược vào triển vọng phục hồi kinh tế khi các tiểu bang dỡ bỏ lệnh cách ly và liên bang nới lỏng các biện pháp kiểm dịch. Thậm chí, chứng khoán Mỹ còn liên tiếp trở lại các đỉnh trước khi dịch bệnh bùng phát.
Ngay cả sau cú bán tháo hôm 11/6, S&P 500 vẫn cao hơn 37% so với đáy được xác lập ngày 23/3. Đằng sau cú tăng này là các cổ phiếu được hưởng lợi từ mở cửa kinh tế, bao gồm các hãng hàng không, du thuyền và bán lẻ. Tuy nhiên, đây cũng đang là những cổ phiếu bị bán mạnh nhất khi bóng ma Covid-19 nhăm nhe trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, American, Delta và United Airlines đều hứng chịu cú giảm hơn 20%. Trong khi đó, Southwest Airlines hứng chịu cú giảm 14%. Các ngân hàng như JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và Bank of America đều ghi nhận mức giảm trên 12% trong tuần. Đây là những cái tên được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi nền kinh tế Mỹ được cải thiện.
Trong một diễn biến khác, chứng khoán châu Á cũng đang hứng chịu những cú giảm nghiêm trọng khi giao dịch trở lại sáng ngày 12/6. Cụ thể, Kospi của Hàn Quốc đã giảm 2,84% khi cổ phiếu của Hyundai Motor giảm tới 4%. Kosdaq cũng ghi nhận cú giảm hơn 2%.
Ở Hồng Kông, Hang Seng index giảm 2.16% khi cổ phiếu của HSBC giảm hơn 3%. Tại Trung Quốc đại lục, Shanghai và Shenzhen component đều giảm nhưng với biên độ nhẹ hơn chỉ lần lượt là 1 và 1,326%. Ở Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 2,05% trong khi Topix index rơi 2,24%.