08/01/2025

Như BizLIVE thông tin ở bài viết trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách về việc xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Dự thảo báo cáo này nêu những giá trị, lợi ích mà Fintech mang lại, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chưa có căn cứ pháp lý điều chỉnh.

Báo cáo cho biết, trong những năm gần đây, những đổi mới, sáng tạo về công nghệ tài chính đã đem lại lợi ích lớn đối với các tổ chức ngân hàng – tài chính bằng cách bổ khuyết hoặc giải quyết tính thiếu hiệu quả trong sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện hành như giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch, điểm tiếp xúc khách hàng theo kênh vật lý, nhận biết và xác thực khách hàng cũng như quy trình, thủ tục giao dịch tương đối phức tạp.

Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính đối với một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống.

Đặc biệt, Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận sẽ là một cấu phần quan trọng để đạt được mục tiêu “Chính phủ số và nền kinh tế số” trong cuộc CMCN 4.0 mà nhiều nước đang hướng tới trong đó có Việt Nam.

Dù vậy, trong dự thảo báo cáo trên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay, không có căn cứ pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của đa phần các công ty trong lĩnh vực Fintech, trong khi đó, hoạt động của các công ty này lại chủ yếu gắn với hoạt động kinh doanh có điều kiện là hoạt động tài chính – ngân hàng.

“Việc hoạt động Fintech không có căn cứ pháp lý điều chỉnh có thể gây ra các rủi ro tiềm ẩn đối với thị trường và khách hàng”, dự thảo báo cáo nêu.

Cụ thể, một số các rủi ro có thể nhận biết bao gồm rủi ro lạm dụng thị trường, rủi ro loại bỏ tài chính, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu, rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro phí trung gian cao, rủi ro không minh bạch và rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp.

Trong đó, rủi ro lạm dụng thị trường thường đến từ những hoạt động Fintech không chịu sự giám sát của cơ quan quản lý.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc thiếu các quy định pháp lý và quản lý có thể sẽ dẫn đến việc gia tăng số lượng các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức đầy đủ tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ Fintech.

Đồng thời, sẽ kéo theo sự bỏ ngỏ trong công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý, dẫn đến các doanh nghiệp này có thể thực hiện các hành vi sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội.

Với rủi ro loại bỏ tài chính, một trong những mục tiêu của khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp là đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tránh phân biệt đối xử và hướng đến phổ cập tài chính.

Việc chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh cho các hoạt động Fintech có thể dẫn đến việc các công ty tập trung phát triển cung ứng dịch vụ không đồng đều, bất bình đẳng giữa các đối tượng khách hàng với hiểu biết tài chính, kiến thức, địa điểm khác nhau.

Trong khi đó, rủi ro bảo mật và rò rỉ dữ liệu có thể đến từ những doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ tiêu chí về an toàn bảo mật chung của ngành do thiếu hụt các quy định tham gia vào thị trường.

Việc thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm của khách hàng đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an ninh, an toàn hệ thống để phòng tránh các rủi ro tiềm tàng.

Với rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, các ngân hàng và các công ty cung ứng giải pháp Fintech được phép phải đáp ứng các quy định chặt chẽ và giám sát liên tục của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Fintech chưa được quản lý sẽ dễ dàng bỏ sót các quy trình này do không chịu kiểm soát chặt chẽ.

Một rủi ro đáng quan tâm nữa chính là rủi ro chi phí trung gian cao. Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng chịu sự quản lý, cơ quan quản lý có thể điều chỉnh các mức trần hoặc sàn phí dịch vụ sao cho phù hợp với thị trường nhằ mục tiêu kích thích hoặc kiềm chế theo từng thời điểm.

Tuy nhiên, đối với những dịch vụ chưa được quản lý, doanh nghiệp có thể tự do điều chỉnh mức phí hoặc liên kết thiết lập trần phí ở mức cao, gây thiệt hại và bất lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, trong một số hoạt động như P2P Lending, huy động vốn cộng đồng, việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến mất tiền của nhà đầu tư thông qua việc cung cấp không đầy đủ thông tin về sản phẩm đầu tư hoặc giao dịch nội gián.

Cuối cùng là rủi ro hoạt động đòi nợ phi pháp hay còn gọi là hình thức đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen” tại các sàn đầu tư P2P Lending hoặc huy động vốn cộng đồng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Fintech, thiết lập và kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.

Đồng thời, giải quyết các bất cập, rủi ro và tồn tại phát sinh trên thực tiễn về hoạt động Fintech thông qua thiết kế khuôn khổ thử nghiệm, bao gồm quy định đối tượng tham gia, luồng quy trình quản trị, các tiêu chí đo lường kết quả cũng như quy trình trước, trong và sau khi hoàn thành thử nghiệm.