Đó là chia sẻ của ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group tại toạ đàm “Hạ nhiệt cơn sốt đất – giảm thiểu lãng phí tài nguyên đất đai” do báo Thời báo Kinh Tế Sài Gòn tổ chức mới đây.
Ông Phúc cho rằng, cơn sốt đất đi qua, ai cũng bị “tổn thương” nhất định. Dĩ nhiên, cơ quan nhà nước không mong muốn những cơn sốt đất, dễ gây ra bất ổn xã hội. Và đứng phía doanh nghiệp phát triển dự án lại càng không mong muốn những cơn sốt đất bất thường xảy ra, bởi sau đó là hàng loạt hệ luỵ để lại, trong đó vấn đề giá đất bị đẩy lên cao gây nên những bất lợi trong việc tìm kiếm quỹ đất, giải phóng mặt bằng…cho các doanh nghiệp BĐS.
Theo vị CEO này, cơn sốt đất vừa qua chủ yếu là do đồn thổi thông tin về quy hoạch, mặc dù thông tin đó chưa biết khi nào hiện thực hoá. Dù thế nào thì mỗi lần cơn sốt đất đi qua đều để lại những “hệ luỵ” sâu sắc cho thị trường, doanh nghiệp, người mua nhà ở thực và nhà đầu tư thực.
Với người mua ở thực, theo ông Phúc, sau cơn sốt đất, chắc chắn mặt bằng giá BĐS sẽ tăng cao. Và những người có nhu cầu mua ở thực phải chấp nhận mua với mức giá của mặt bằng giá mới. Có thể miếng đất họ mua phải mất 10-20 năm nữa mới đạt đến giá trị mua vào ở thời điểm này. Như vậy, có nghĩa là đây là đối tượng đang chịu “tổn thương”, thiệt thòi sau cơn sốt đất đi qua.
Thực tế cho thấy, cơn sốt đất vừa qua đã ảnh hưởng rõ đến những người dân lao động có đất. Họ đang yên ổn sản xuất kinh doanh trên đất, sốt đất ập đến khiến tâm lý của người dân bị xáo trộn, tiếp tục kinh doanh hay bán đất đi?. Điều này rõ ràng là sốt đất đã gây bất ổn tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh ở các địa phương.