24/12/2024

Đáp ứng nhu cầu vận tải đến 2045

Chiều 3/12, Ủy ban Kinh tế thẩm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế – chính trị lớn quy mô 8 – 10 làn xe, đoạn Cần Thơ – Cà Mau quy mô 4 làn xe. Theo tính toán sơ bộ, quy mô giai đoạn phân kỳ đáp ứng các tiêu chí hiện đại, đồng bộ và có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2045.

Về tiến độ và thời gian thực hiện, theo ông Thể, thực tiễn triển khai cho thấy, các dự án đường bộ cao tốc có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công dự án cần khoảng 3 năm, thời gian thi công hoàn thành công trình từ 2 – 3 năm. Chính vì vậy, phần lớn các dự án đường bộ cao tốc khó có thể hoàn thành trong một kỳ trung hạn.

Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, Chính phủ dự kiến tiến độ triển khai: chuẩn bị dự án năm 2021 – 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án. Trong năm 2021, dự kiến giải ngân đạt khoảng 96% mức vốn được giao, tuy nhiên trong 4 năm tới, bình quân mỗi năm phải giải ngân tương đối lớn.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, tuyến đường cao tốc này là trục xương sống, nhu cầu rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Do đó, việc Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình ra Quốc hội tạo cơ sở pháp lý cho dự án này. Tuy nhiên cần phải tính toán toàn diện dự án để vừa phù hợp với khả năng, đảm bảo liên kết vùng, thúc đẩy, khơi dậy sự phát triển kinh tế; rà soát kỹ vấn đề nguyên vật liệu, cơ chế thu dịch vụ sử dụng đường cao tốc, nhu cầu sử dụng đất của dự án, giải phóng mặt bằng…