24/12/2024

Tại báo cáo thường niên vừa được công bố mới đây, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm trước. Mức tăng trưởng này khá khiêm tốn khi trước đó, lợi nhuận trước thuế năm 2019 của SeABank tăng gấp hơn 2 lần, đạt 1.391 tỷ đồng.  

SeABank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản ngân hàng dự kiến tăng 12%, đạt 175.600 tỷ đồng tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 13,6%; huy động khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến tăng 13,8%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Tại MSB, theo báo cáo thường niên, trong năm 2020 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% đạt 81.500 tỷ đồng, tăng 20% và huy động tăng 10% đạt 99.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 12%. Tổng tài sản khoảng 170.000 tỷ đồng, tăng 8% và tỉ lệ nợ xấu dưới 3%.

Trong đó, tổng thu thuần MSB năm 2020 của mảng Ngân hàng bán lẻ (RB), Ngân hàng Doanh nghiệp (EB) và Ngân hàng Định chế tài chính (FI) tăng trưởng lần lượt gần 40%, 44% và 34%, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2019-2023 đạt trên 30%. Tổng thu nhập ngoài lãi của hai ngân hàng chuyên doanh RB và EB chiếm trên 30% tổng thu thuần.

Trong khi MSB và SeABank kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng, NamABank lại dự kiến lợi nhuận sụt giảm dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mức cao.

Cụ thể, NamABank dự kiến dư nợ cho vay sẽ tăng 21,4%, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ ở mức 800 tỷ đồng, tức giảm 13,47% so với năm 2019. Tổng tài sản dự kiến tăng 22,51%, huy động vốn tăng 22,41%, số lượng thẻ tín dụng tăng 34,56%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, tại các báo cáo thường niên của 3 ngân hàng này không nói rõ các chỉ tiêu trên được xây dựng dựa trên dự báo về dịch covid-19 như thế nào.

Trong khi đó, vì tổ chức ĐHĐCĐ trước khi thực hiện cách ly xã hội, 2 ngân hàng Kienlongbank và BIDV đều trình cổ đông kế hoạch kinh doanh trên kỳ vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất, chỉ kéo dài đến cuối quý 1.

Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ hôm 27/3, cổ đông Kienlongbank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận đạt 750 tỷ đồng, gấp 8,7 lần năm trước. Tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cấp tín dụng lần lượt 13% và 16%. 

Trên thực tế, Kienlongbank có cơ sở để kỳ vọng mức tăng trưởng đột phá này khi ngân hàng dự kiến ghi nhận các khoản lãi phải thu hạch toán giảm trong các năm trước, sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo; đồng thời cũng không con phải trích lập dự phòng cho nợ tại VAMC. Tuy nhiên, Kienlongbank cũng cho biết, kế hoạch lợi nhuận này được xây dựng trên cơ sở dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nhất. Căn cứ vào tình hình thực tế nếu diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh thì HĐQT sẽ có báo cáo đến ĐHĐCĐ để điều chỉnh phù hợp.

Còn với BIDV, tại cuộc họp ĐHĐCĐ hôm 7/3, ngân hàng đã thông qua mục tiêu lợi nhuận ở mức 12.500 tỷ đồng, tăng 16%. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, đây là kế hoạch kinh doanh trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nhất chỉ kéo dài đến cuối tháng 3/2020.

Mục tiêu trên của BIDV sẽ rất khó đạt được khi đây là một trong 4 nhà băng chủ lực thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Mới đây, tại cuộc họp giữa Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú đã cho biết 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận năm trước để phục vụ cho vấn đề hạ lãi suất trong năm nay. Với lợi nhuận đạt hơn 10.000 tỷ trong năm 2019, BIDV có thể phải “hy sinh” hơn 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất. 

Trong khi đó, báo cáo thường niên của Vietcombank chỉ đề cập kế hoạch chung chung chứ chưa có các con số cụ thể. Còn VietinBank dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 4-8,5%, huy động vốn 5-10%, nhưng còn để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận. VietinBank cho biết sẽ đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, bám sát diễn biến dịch bệnh để tính toán và sẽ cập nhật kế hoạch lợi nhuận.