26/12/2024

Theo lộ trình đã định, vào tháng 9/2020, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ cơ bản lấp đầy một khoảng trống từng được cơ chế khoan sức tạo ra.

5 năm trước, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt toàn hệ thống phải giảm được nợ xấu xuống dưới 3% trước 30/9/2015. Một giải pháp trọng tâm là dồn bán lượng lớn sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Cơ chế cho phép, lượng nợ xấu bán sang VAMC, nhận về trái phiếu đặc biệt, được rải ra trích lập dự phòng rủi ro đối ứng 20% mỗi năm trong 5 năm. Tháng 9 tới đây, theo lộ trình, qua 5 năm, khoảng trống đó dự kiến nói chung dần được lấp đầy (ngoại trừ một số giao dịch vẫn bán sang lượng đáng kể sau thời điểm đó).

Thực tế, từ 2017 đến 2019, và đến đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động thực hiện trích lập xong, tất toán hết trái phiếu và nợ xấu tại VAMC.

Nhưng, một lần nữa, hệ thống tiếp tục bước vào một khoảng trống mới: cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm để hỗ trợ khách hàng trước tác động của dịch Covid-19, theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ chế trên cũng từng được thực hiện từ Quyết định 780 năm 2012, rồi chuyển tiếp vào Thông tư 09 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước, với quy mô dư nợ lớn. Theo thời gian, sau cả một quá trình, cơ chế này dần giảm bớt quy mô.

Và nay, như trên, trước tác động bất thường, một lần nữa cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm được thực hiện với dự kiến diện rộng. Đây có giá trị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trước khó khăn đại dịch, nhưng ở khía cạnh khác nó khiến hoạt động ngân hàng, nhất là về lợi nhuận, trở nên có phần khác thường.

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị trực tuyến ngày 22/4 vừa qua, bước đầu các ngân hàng đã tiến hành cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ đồng. Quy mô này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng trong quý II, khi Thông tư 01 thực sự đi vào thực tiễn (có hiệu lực từ 13/3).

Quy định hiện hành, ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với tất cả các khoản nợ, dù ở nhóm nào; mức độ trích lập 5%, 20%, 50% và 100% đối với lần lượt nhóm 2 đến 5. Riêng nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn, không phải là nợ xấu) vẫn gián tiếp phải trích lập, theo tỷ lệ dự phòng chung 0,75% nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Như trên, nợ nhảy nhóm, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng theo, chi phí ngân hàng đội lên, lợi nhuận bị trừ bớt.

Tuy nhiên, với cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm bởi Covid-19, chi phí trích lập dự phòng theo đó không nhảy lên như thông thường, lợi nhuận ngân hàng tạm thời chưa bị ảnh hưởng ở đây.

Ngoài ra, theo cơ chế thông thường, khi doanh nghiệp có nợ bị nhảy nhóm, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) ghi nhận, việc phân loại các khoản vay của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác cũng bắt buộc phải nhảy nhóm theo ghi nhận của CIC, nhảy chi phí dự phòng và ảnh hưởng tới lợi nhuận các ngân hàng trở nên rộng hơn. Ảnh hưởng này cũng tạm thời được “giãn cách” với cơ chế mới.

Như vậy, lợi nhuận ngân hàng nói chung hiện nay và tới đây có phần vẫn được chiết xuất tương đối thưa trên cơ sở dư nợ và chi phí trích lập dự phòng có cơ chế hỗ trợ đó.

Cũng như cả quá trình thực hiện cơ chế trích lập theo nợ bán sang VAMC và cơ cấu lại nợ giai đoạn trước, đây là một trong những lý do để Ngân hàng Nhà nước “soi” kỹ lợi nhuận các ngân hàng thương mại những năm qua và thời gian tới. Cụ thể ở việc xét và quyết định “chỉ tiêu” chi trả cổ tức hàng năm của từng thành viên, từng mức độ tiền mặt được chi trả.

Năm nay cũng vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không được chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Vì, như trên, lợi nhuận để chia có phần khác thường bởi cơ chế hỗ trợ; nguồn lực cần được tích lũy lại ngân hàng để dự phòng bù đắp cho rủi ro tiềm ẩn đã được “giãn cách”.