26/12/2024

Từ thời cổ đại, người xưa vô cùng coi trọng “Làm việc khi trời sáng, nghỉ ngơi khi chiều tà”. Đối với người xưa, giấc ngủ chính là hưởng thụ, cũng là một môn học vấn. Nhưng ngày nay, giấc ngủ vốn là nhu cầu cơ bản này lại trở thành vấn đề nan giải của rất nhiều người. Mặc dù liên kết giấc ngủ ngon tới bao yếu tố khác như duy trì cân nặng, cải thiện làn da, tâm trạng, năng suất, nhưng làm thế nào để ngủ ngon đối với người hiện đại mà nói quả thật không đơn giản chút nào.

Theo The Sleep Foundation, mặc dù các chuyên gia về giấc ngủ nói rằng chúng ta nên ngủ từ bảy đến chín giờ mỗi đêm, 35,2% người trưởng thành cho biết họ ngủ ít hơn 7 giờ trong hầu hết các đêm.

Một hệ thống phân loại tính cách vô cùng phổ biến hiện nay là hệ thống Phân loại tính cách Myers-Briggs, bao gồm 16 loại riêng biệt. Mặc dù không có đủ nghiên cứu để chứng minh sự khác biệt về sắc thái trong thói quen ngủ giữa tất cả 16 loại, nhưng hai loại tính cách chính trong hệ thống Myers-Briggs – người hướng nội và người hướng ngoại – đã được các nhà khoa học nghiên cứu.

Bạn đã xác định được loại tính cách của mình chưa?

Emily K. Fitton, LCSW, là một nhà trị liệu tâm lý ở Thành phố New York, đã giải thích: “Theo hệ thống Myers-Briggs, người hướng nội là những người thích chơi đùa với những ý tưởng, ký ức và trải nghiệm bên trong mình. Họ cảm thấy tràn đầy năng lượng bởi thế giới nội tâm của mình và thường suy nghĩ rất nhiều”. Họ dễ dàng bị kiệt sức khi phải dành thời gian với người khác quá nhiều và không được ở một mình. Trong khi đó, người hướng ngoại được tiếp thêm năng lượng khi có mọi người vây quanh. Họ thực sự cần nói ra mọi thứ để xử lý những suy nghĩ và ý tưởng của mình. Người hướng ngoại cũng thường “thiên về hành động”.

Tính cách ảnh hưởng tới giấc ngủ ư?

Theo nghiên cứu, những người hướng nội có giấc ngủ kém chất lượng, gặp nhiều ác mộng và dễ thức giấc hơn. Khảo sát cũng cho thấy họ cảm thấy mệt mỏi và kém tỉnh táo hơn vào ban ngày.

Các chuyên gia cũng đã chia sẻ một số khác biệt về hành vi cụ thể trong thói quen ngủ giữa người hướng nội và hướng ngoại. Bà Fitton nói: “Chính bản năng suy nghĩ quá nhiều khiến người hướng nội luôn đắm chìm trong suy tư, và rồi mang cả những suy nghĩ của mình lên giường”. Người hướng nội thực sự cần học cách rũ bỏ những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu và tĩnh tâm khi chuẩn bị đi ngủ.”

Trong khi đó, người hướng ngoại thì không hoàn toàn chìm đắm trong giấc ngủ ngay lúc “đặt lưng chạm giường” đâu vì họ cũng có một vấn đề tâm lý khác cản trở giấc ngủ. “Theo kinh nghiệm của tôi, nhiều khách hàng hướng ngoại lại mắc phải cảm giác‘ FOMO ’hoặc sợ mình bỏ lỡ điều gì đó trong ngày chưa kịp làm khi bắt đầu giấc ngủ của họ, khiến họ tỉnh táo đến mức không tài nào ngủ được” Tiến sỹ Joshua Tal – nhà tâm lý học lâm sàng lưu ý.

Đặc biệt, sự có mặt của “người chung giường” cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn tùy theo tính cách thế nào. “Đôi khi, ngủ với người khác là ác mộng đối với người hướng nội. Vì họ cần thời gian ở một mình để nạp năng lượng, và nếu có người khác nằm ngay bên cạnh, thời gian nạp năng lượng đó có thể bị gián đoạn, khiến người hướng nội phải cảnh giác trong khi ngủ lại là thời gian họ muốn nghỉ ngơi,” ông Tal nói. “và ngược lại, thật thú vị khi những người hướng ngoại được ngủ bên cạnh người khác, họ sẽ ngủ ngon hơn.”

Hãy ngủ theo cách riêng của mình, dựa trên MBTI

Ngủ cũng cần có phong cách cá tính riêng. Bà Fitton gợi ý những người hướng nội nên đọc sách yên lặng một mình trên giường để thư giãn trước khi ngủ. “Trên thực tế, đó là một cách để từng góc phòng trong bộ não của họ có thể tắt đèn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn đang đọc sách hoặc sử dụng máy tính bảng, máy đọc sách có bộ lọc ánh sáng xanh để không cản trở khả năng đi vào giấc ngủ của não.” Thiền chánh niệm cũng là một kỹ thuật tuyệt vời khác để mang lại một giấc ngủ ngon. “Các phương pháp thiền chánh niệm rất thích hợp cho người hướng nội vì có thể giúp họ kết nối với bản thể bên trong mình, rà soát cảm nhận trên cơ thể và thực hành nhận thức hơi thở.”

Trong khi đó, những người hướng ngoại cần giảm mức năng lượng của mình xuống bằng cách ngừng tương tác, nhắn tin, gọi điện, xem truyền hình. Thay vào đó, nên thực hiện các hoạt động thư giãn giúp đầu óc tỉnh táo mà không cần nói chuyện với ai đó, chẳng hạn như viết nhật ký, kiểm tra thành tích trong ngày và lập danh sách việc cần làm cho ngày hôm sau. Và với những điều này, một lưu ý khác là hãy làm ở đâu cũng được, nhưng ngoại trừ trên giường của bạn.