26/12/2024

Sáng nay (23/4), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – TPB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên. 

Có lợi nhuận đáng kể từ các đợt sóng giá vàng năm 2020

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh, năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng tăng 14,6% đạt 206.315 tỷ đồng; huy động vốn tăng 16,4% đạt 184.911 tỷ; dư nợ cho vay tăng 12,9% đạt 132.347 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của TPBank đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Nhìn chung, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch mà ĐHĐCĐ đã giao. 

Ngân hàng cũng cho biết hoạt động đầu tư, kinh doanh ngoại tệ và vàng năm 2020 có kết quả tốt. Trong đó, năm 2020, giá vàng SJC đã tăng 30% đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ngân hàng đã tận dụng được hầu hết các đợt sóng giá vàng, thu được lợi nhuận đáng kể. Khách hàng mới giao dịch ngoại hối cũng tăng lên đáng kể, xếp thứ 13 trong top các NHTMCP có thị phần mua bán ngoại tệ lớn nhất Việt Nam. 

Mục tiêu lợi nhuận năm 2021 đạt 5.800 tỷ đồng

Năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020. Như vậy, theo tài liệu chính thức, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của TPBank đã được điều chỉnh tăng thêm 300 tỷ đồng so với tài liệu được công bố hồi đầu tháng 4. 

TPBank dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2021 đạt 250.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2020. Vốn điều lệ tăng 9% lên 11.717 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 20% đạt 221.893 tỷ; dư nợ cho vay tăng 25% đạt 165. 434 tỷ đồng. 

Ngân hàng tiếp tục muốn mở rộng mạng lưới LiveBank thêm ít nhất 40 điểm lên 370 điểm. Đồng thời, TPBank sẽ hoàn tất việc xây dựng, mở mới đối với 3 chi nhánh, 2 PGD đã được NHNN chấp thuận thành lập mới trong năm 2020 cũng như tìm kiếm địa điểm thích hợp để xin phép NHNN cho thành lập mới 6 chi nhánh, 9 PGD. 

TPBank không có kế hoạch chia cổ tức trong năm nay, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 với kế hoạch gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận để lại chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh năm 2021. 

Dự kiến chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu

Về phương án tăng vốn điều lệ, TPBank sẽ tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Số cổ phiếu phát hành là tối đa 100 triệu cp, tương đương 9,33% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Số lượng chào bán dưới 100 nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế 3 năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Phần thảo luận

Cổ đông: Vì sao ngân hàng điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận tăng lên 5.800 tỷ đồng?

Ông Nguyễn Hưng – TGĐ TPBank: Căn cứ tình hình thực tế kết quả kinh doanh quý 1/2021, chúng tôi đã nâng chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Quý 1 là quý có thời gian nghỉ tết, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ít trong tháng 2 nhưng chúng ta có tăng trưởng tín dụng gần 5% trong quý 1, và đến nay tăng khoảng 7%. Chúng ta đạt 1.422 tỷ lợi nhuận quý 1. 

Dự nợ tăng trưởng tốt vào các ngành an toàn. Năm 2020, TPBank có tăng đầu tư trái phiếu DN, nhưng năm nay sẽ không tăng nhiều và có thể giảm. Đối với các lĩnh vực cho vay, goài 5 lĩnh vực ưu tiên cho vay, TPBank đẩy mạnh các ngành lĩnh vực cho vay mua nhà, cho vay mua xe, cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo.

Chiến lược mở rộng thị phần của TPBank như thế nào?

TPBank đã trở thành ngân hàng trung bình lớn trong vòng 8 năm, từ một ngân hàng gần bé nhất hệ thống. Chúng ta đã vượt qua nhiều ngân hàng có tuổi đời hơn 20 năm. 

Tuy nhiên, với số lượng khách hàng hiện nay, hơn 4 triệu khách hàng, đa số là khách hàng cá nhân, so với toàn ngành vẫn còn khá thấp. Do đó, TPBank vẫn phải nỗ lực để làm sao mở rộng thị phần. 

Đi theo định hướng ngân hàng số đã giúp chúng ta khắc phục hạn chế chi nhánh, do chúng ta sinh sau đẻ muộn nên chi nhánh không nhiều. Vì vậy, việc mở rộng LiveBank là phù hợp. Thủ tục mở chi nhánh hiện nay cũng rất phức tạp và lâu nên không thể trông chờ mở chi nhánh truyền thống để tăng khách hàng. 

Chúng ta là ngân hàng duy nhất cho phép khách hàng mở thẻ, mở tài khoản trong vài phút tại LiveBank. Khi dịch vụ tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn thì chúng ta sẽ thu hút thêm khách hàng, mở rộng thị phần.