Sau một năm nhu cầu thấp, các nhà bán lẻ đang tăng cường mua vàng nguyên liệu để phục vụ cho những người như bà Seema B, một bà nội trợ 35 tuổi vừa đến tiệm vàng Zaveri Bazaar ở Mumbai để mua những chiếc vòng đeo tay mới sau nhiều tháng tạm dừng mua. Bà nói: “Giá đã giảm một chút và nỗi lo chung về virus Covid-19 cũng giảm bớt. Tương tự như bà Seema, nhiều người Ấn Độ và Malaysia khác cũng bắt đầu mua vàng trang sức trở lại, vì mục đích để dành cho đám cưới hoặc để tích trữ.
Từ Trung Quốc đến Ấn Độ, Malaysia…, người tiêu dùng đang tận dụng cơ hội giá vàng giảm để mua vào.
Các nhà đầu tư vàng bán lẻ ở Hàn Quốc cũng đang tích lũy vàng thỏi, trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc tăng cũng đẩy doanh số bán vàng trang sức trong dịp Tết Nguyên đán tăng lên.
Nhu cầu gia tăng đối với vàng vật chất có thể ngăn chặn xu hướng giảm của giá vàng – vốn bị ảnh hưởng bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục hàng hóa ETF vàng.
Liên tiếp 2 phiên đầu tiên của tuần này, giá vàng tăng. Phiên 6/4, giá vàng kết thúc ở mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần, sau khi tăng khoảng 1% nhờ đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều giảm. Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.743,04 USD/ounce vào cuối phiên, sau khi có thời điểm đạt 1.745,15 USD, cao nhất kể từ 25/3. Vàng kỳ hạn tháng 6/2021 cũng tăng lên 1.743 USD/ounce. Chỉ số dollar index giảm xuống mức thấp nhất gần 2i tuần, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm xuống.
Như vậy, so với một tuần trước đây, giá vàng đã tăng khoảng 4%, mặc dù hiện vẫn thấp hơn khoảng 8% so với đầu năm 2021.
Giá vàng đã giảm dần kể từ mức đỉnh cao lịch sử hồi tháng 8/2020, xuống dưới ngưỡng 1.700 USD/ounce lần 1 vào hôm 9/3/2021, và lần 2 vào ngày 1/4/2021, thấp nhất kể từ tháng 6/2020, do đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ mạnh lên và các nước tích cực tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 làm triển vọng kinh tế tốt lên, khiến nhu cầu đối với tài sản đầu tư an toàn như vàng giảm xuống.