Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến thời điểm này hệ thống lưu trú trên địa bàn đã có hơn 70% lượng khách thông báo hủy phòng trong dịp tết Tân Sửu 2021.
Lượng khách hủy nhiều nhất chủ yếu đến từ Tp.HCM (chiếm hơn 90%) số còn lại là khách ở Bình Dương và Hà Nội. Hầu hết các đoàn thông báo hủy đều được các chủ cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn trả lại tiền cọc. Một số ít khách không nhận lại tiền cọc mà đề nghị giữ lại, chọn thời điểm khác thích hợp sử dụng dịch vụ.
Đai diện một khách sạn tại TP.Vũng Tàu cho biết, thời điểm này năm ngoái khách sạn có hơn 70% số phòng được khách đặt trước. Năm nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, chỉ 30% lượng phòng được đặt trước và 90% trong số này khách đã gọi điện hủy. Một ngày khách hàng gọi đến hủy rất nhiều, dù đã giải thích cho khách, Vũng Tàu là vùng an toàn, việc tắm biển vẫn diễn ra, tuy nhiên nhiều khách từ Hà Nội, Bình Dương và Sài Gòn cho rằng họ từ vùng dịch nên không thể ra ngoài được.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, trước khi dịch bệnh tái bùng phát, ngành khách sạn đã kỳ vọng sự gia tăng nhu cầu du lịch trong và sau Tết sẽ đem đến một bước khởi đầu tốt trong năm. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác.
Tình hình hiện tại đang ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và du lịch trong những ngày gần đây. Theo ước tính của một đơn vị vận tải hàng không, số lượng khách vận chuyển đã sụt giảm 15% so với tuần trước đó ngay khi những ca bệnh đầu tiên được công bố.
Ông Mauro Gasparotti cho biết, sự tái bùng phát dịch bệnh ngay lập tức đã tác động đến ngành du lịch nói chung và ngành dịch vụ khách sạn nói riêng, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, một số khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội. Tác động từ dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ở nơi bùng phát dịch mà ở gần như mọi nơi cần tiếp cận đến bằng đường hàng không. Trước khi dịch bệnh tái bùng phát, ngành khách sạn đã kỳ vọng sự gia tăng nhu cầu du lịch trong và sau Tết sẽ đem đến một bước khởi đầu tốt trong năm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và du lịch trong những ngày gần đây. Theo ước tính của một đơn vị vận tải hàng không, số lượng khách vận chuyển đã sụt giảm 15% so với tuần trước đó ngay khi những ca bệnh đầu tiên được công bố.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng ước tính số lượng khách phục vụ trung bình trong một ngày trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên Đán giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ OTA Insight, nhu cầu tìm kiếm chuyến bay đến Đà Nẵng và Tp.HCM trong dịp Tết đã giảm lần lượt 35% và 34% so với tuần trước đó kể từ khi thông tin dịch bệnh được công bố.
Một số công ty đã ngay lập tức gửi yêu cầu hạn chế đi lại cho nhân viên cũng như hạn chế việc tham dự các sự kiện hoặc hội nghị. Trong bối cảnh này, một số hội nghị đã phải tạm dừng hoặc bị trì hoãn do lo ngại tình hình sẽ chuyển biến phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh MICE của các khách sạn thành phố khi giai đoạn này vốn dĩ là mùa cao điểm từ nhu cầu tổ chức sự kiện và hội nghị.
Theo vị chuyên gia này, sau hai đợt bùng phát dịch trước, sự cố lây nhiễm trong cộng đồng gần đây cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh lên ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú đã có kinh nghiệm hơn trong việc ứng biến với các sự cố, tuy nhiên đợt bùng phát dịch ngay trước thời điểm Tết đã gây trở ngại không nhỏ khi tác động trực tiếp đến tâm lý khách du lịch.
“Hy vọng rằng với những nỗ lực của Chính Phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các quốc gia khác để nhập khẩu Vaccine đồng thời thúc đẩy nghiên cứu hoàn thiện Vaccine sản xuất trong nước, chúng ta có thể khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới. Khi đó người dân sẽ có thể cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại, đây cũng là động lực chính trong ngắn hạn để hỗ trợ sự hồi phục ngành du lịch Việt Nam”, ông Mauro Gasparotti chia sẻ.