Trong vài tháng trở lại đây, trì lạm là thứ khiến nhiều nhà đầu tư phải lo lắng trong bối cảnh giá cả bắt đầu tăng cao trong khi nền kinh tế vẫn ở trong trạng thái trì trệ và chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhà đầu tư có thể áp dụng một số chiến lược để chống đỡ với rủi ro này
Trì lạm (stagflation) là tình trạng 1 nền kinh tế đồng thời phải đối mặt với 2 vấn đề: lạm phát tăng vọt và các hoạt động kinh tế trì trệ. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận trong những năm 1970, khi cú sốc giá dầu dẫn đến giá cả tăng vọt nhưng tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh.
Tương tự, gần đây giá năng lượng đã tăng khá mạnh, làm dấy lên nỗi lo về lạm phát.
Trong báo cáo tháng 10, ngân hàng Morgan Stanley nhận định rủi ro trì lạm đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Lần này trì lạm có thể bắt nguồn từ 1 cú sốc về cung. “Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn đã gây ra tình trạng thiếu hụt trên nhiều lĩnh vực như năng lượng và chip bán dẫn. Tình trạng này có thể kéo dài sang năm sau, khiến áp lực lạm phát vẫn ở mức cao trong ngắn hạn”, báo cáo viết.
Trì lạm là 1 rắc rối lớn đối với các nhà hoạch định chính sách bởi vì những biện pháp kiềm chế lạm phát như kiểm soát giá cả và tiền lương hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và gây khó cho tăng trưởng kinh tế.
Cũng trong tháng trước, Goldman Sachs cảnh báo trì lạm là điều tồi tệ đối với thị trường chứng khoán. Dưới đây là một số cách tiếp cận mà các chuyên gia phân tích cho là nhà đầu tư có thể áp dụng để đối phó với nguy cơ trì lạm.
Chiến lược “tạ đòn”
Theo Morgan Stanley, nhà đầu tư nên sở hữu các cổ phiếu giá trị đang ở mức giá rẻ có tỷ lệ chi trả cổ tức cao và dòng tiền tự do lớn. Dòng tiền tự do chính là thước đo lợi nhuận, thể hiện doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu tiền mặt sau khi đã trừ đi các khoản phải chi.
Trong chiến lược “tạ đòn”, danh mục sẽ tập trung vào 2 nhóm cổ phiếu đối lập nhau để phòng vệ trước các biến động của thị trường. Nói cách khác, đây là chiến lược kết hợp giữa các tài sản gần như không có rủi ro với tài sản có mức độ rủi ro rất cao nhằm cân bằng giữa rủi ro và lợi suất thu về.
Đầu tư vào nhóm “price setter” và tránh các cổ phiếu tăng trưởng
Theo Rob Mumford, chuyên gia của Gam Investments, nên đầu tư vào các công ty thuộc nhóm “upstream” thay vì “downstream”. Upstream ám chỉ những ngành sản xuất ra nguyên liệu đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa, trong khi hoạt động downstream gần hơn với người tiêu dùng, ví dụ như sản xuất và phân phối.
Một ví dụ về upstream là các công ty sản xuất chip bán dẫn. Giá chip đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay vì đây là mặt hàng thiết yếu để sản xuất ra tất cả mọi thứ, từ ô tô cho đến đồ điện gia dụng.
Cũng theo Mumford, nhà đầu tư nên cẩn trọng với các cổ phiếu tăng trưởng – những cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng giá mạnh hơn đáng kể so với mức trung bình của thị trường. “Đây là nhóm rất dễ bị tổn thương, đặc biệt nếu như lạm phát bắt đầu cao hơn so với dự báo”.
Nên tập trung vào các cổ phiếu giá trị và cổ phiếu chu kỳ
Morgan Stanley nhận định đây là 2 nhóm cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất khi kỳ vọng lạm phát tăng lên. Cổ phiếu giá trị là những cổ phiếu có xu hướng được giao dịch ở mức giá thấp hơn giá trị thực của chúng (theo đánh giá của các chuyên gia phân tích), còn cổ phiếu chu kỳ sẽ biến động lên xuống cùng chiều với sức khỏe nền kinh tế vĩ mô.
Nếu rủi ro trì lạm tiếp tục tăng lên, chiến lược “đảo ngược” sẽ mang về mức lợi nhuận vượt trội: mua những cổ phiếu bị tụt lại phía sau trong tháng trước và chờ đợi giá sẽ đảo chiều trong tháng sau đó.
Tham khảo CNBC