Cụ thể, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, hạn chế phải tăng lãi suất huy động trên thị trường để lấy vốn cho vay.
Trường hợp cần thiết NHNN tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để làm sao có nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho vay với lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp và người dân.
“Chúng tôi sẽ theo dõi sát sức khỏe của hệ thống và mức độ thanh khoản ở thời điểm khác nhau để có quyết định điều chỉnh lãi suất”, Phó Thống đốc nói.
Từ đầu năm đến nay NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Về tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN nhiều lần nhấn mạnh việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, nếu các ngân hàng có đề nghị điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ xem xét với từng ngân hàng.
Theo NHNN, mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch COVID-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16/9, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019